Sudan và CHDC Congo bên bờ vực nạn đói

Xung đột gia tăng đang đẩy người dân Sudan và CHDC Congo tới bờ vực của nạn đói. 18 triệu người, chiếm hơn một phần ba dân số Sudan và 23,4 triệu người, chiếm 25% dân số CHDC Congo, sắp rơi vào cảnh đứt bữa. Những con số biết nói dù không mong muốn này gióng hồi chuông cảnh báo các phe phái ở hai quốc gia châu Phi cần nhanh chóng chấm dứt xung đột nhằm khôi phục an ninh, ổn định cuộc sống thường nhật cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: REUTERS)
Ảnh minh họa. (Nguồn: REUTERS)

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cảnh báo tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng tại Sudan đang gây ra nạn đói nghiêm trọng ở quốc gia Bắc Phi này. Đại diện OCHA, bà Edem Wosornu nêu rõ, các mức độ bạo lực khủng khiếp hiện nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân ở Sudan và quốc gia châu Phi đang bên bờ vực của nạn đói tồi tệ nhất thế giới. Khoảng 18 triệu người, chiếm hơn một phần ba dân số Sudan, đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Bà Wosornu cảnh báo về tình trạng tuyệt vọng mà nhiều người dân đang phải nếm trải ở Sudan; nhấn mạnh 90% dân số ở thủ đô Khartoum cùng với các vùng Darfur và Kordofan sắp rơi vào cảnh đứt bữa ở mức độ khẩn cấp.

Phó Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Carl Skau nhấn mạnh, WFP đang nỗ lực giải quyết các nhu cầu nhân đạo tại Sudan, song các hoạt động cứu trợ thường xuyên bị cản trở do xung đột. Ông Skau kêu gọi mở lại các cửa khẩu biên giới để tạo điều kiện cho hoạt động cung cấp viện trợ cho vùng Darfur, nơi đang chứng kiến nạn đói và mức độ suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhất. Đầu tháng 3 này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từng kêu gọi các bên xung đột ở Sudan ngừng bắn ngay lập tức trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động viện trợ nhân đạo.

Khoảng 18 triệu người, chiếm hơn một phần ba dân số Sudan, đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cũng hối thúc các bên tham chiến ở Sudan bảo đảm quyền tiếp cận nhân đạo không bị cản trở, đồng thời bắt đầu tiến hành đàm phán trực tiếp để chấm dứt các hành động vũ trang thù địch.

Trước tình trạng khẩn cấp ở Sudan, OCHA vừa phải công bố Sách trắng về tình trạng mất an ninh lương thực tại quốc gia Bắc Phi trong bối cảnh cuộc xung đột đẫm máu ở Sudan đã bước sang tháng thứ 11. Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) Maurizio Martina nêu rõ, chiến sự đã làm đứt gãy sản xuất nông nghiệp, phá hoại hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu, đẩy giá lương thực tăng cao và làm gián đoạn hoạt động thương mại tại Sudan. Quan chức Liên hợp quốc cảnh báo xung đột đang lan rộng ra các bang miền đông nam, nơi được coi là vựa lúa mì và đóng góp tới 46% sản lượng lúa mì của Sudan, càng khiến tình trạng mất an ninh lương thực trở nên tồi tệ.

Tình trạng mất an ninh lương thực cũng đang hiện hữu tại CHDC Congo. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo khoảng 23,4 triệu người ở CHDC Congo (chiếm gần 25% dân số) đang đối mặt nạn đói. Theo WFP, cuộc khủng hoảng lương thực do xung đột ở CHDC Congo đang trở nên tồi tệ hơn, khi bạo lực gia tăng ở các tỉnh phía đông, buộc người dân tị nạn phải tiếp tục chạy trốn.

Tại Goma, thủ phủ tỉnh Bắc Kivu, làn sóng người tị nạn tìm đến đây do tránh xung đột ở những nơi khác đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và đẩy giá thực phẩm vượt quá tầm chi trả của người dân. Trong một chuyến thăm Goma gần đây, Giám đốc điều hành WFP Cindy McCain đã chứng kiến sự khó khăn và thiếu thốn mà hàng triệu người ở CHDC Congo đang phải trải qua. Họ thiếu từ thực phẩm tới nước sạch và điều kiện vệ sinh, trong khi số lượng người di tản ngày càng tăng.

Thời gian qua, WFP mở rộng đáng kể các hoạt động viện trợ khẩn cấp ở miền đông CHDC Congo như tăng gấp ba lần số người nhận hỗ trợ lương thực (từ 400.000 người vào tháng 5/2023 lên 1,3 triệu người hiện nay). Theo tính toán, WFP cần 548,5 triệu USD để duy trì hoạt động nhân đạo tại CHDC Congo và cần ít nhất 425 triệu USD trong sáu tháng tới để hỗ trợ những trường hợp cấp thiết nhất ở khu vực phía đông nước này, nơi xung đột đã khiến gần một triệu người phải di dời từ đầu năm đến nay.