Guinea, Mali và Niger từng bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên và áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn, sau khi ở các quốc gia này liên tiếp xảy ra đảo chính quân sự trong khoảng thời gian 2020-2023. Khối này tiến hành trừng phạt Guinea về kinh tế, tài chính sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Alpha Conde năm 2021. ECOWAS thiết lập vùng cấm bay, đóng cửa biên giới và phong tỏa tài sản đối với Niger, sau cuộc đảo chính lật đổ nhà lãnh đạo dân cử Mohamed Bazoum năm 2023. Mali, quốc gia liên tiếp trải qua các cuộc đảo chính năm 2020 và 2021, cũng hứng chịu các biện pháp trừng phạt về kinh tế và tài chính, cũng như bị hạn chế tuyển dụng người Mali vào các vị trí chuyên môn trong các cơ quan thuộc ECOWAS.
Tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt được đánh giá là cử chỉ đầy thiện chí của ECOWAS nhằm mong muốn đối thoại với giới quân sự cầm quyền của Guinea, Mali và Niger, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển tiếp từ chính quyền quân sự sang chính phủ dân sự ở hai nước này. Trong đó, các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Mali được dỡ bỏ năm 2022, sau khi quân đội nước này công bố khung thời gian cho quá trình chuyển đổi trở lại chế độ dân sự.
Tuy nhiên, Mali và Niger cùng với Burkina Faso đều tuyên bố “hết duyên nợ” với ECOWAS và khẳng định quyết tâm rời khỏi khối. Ba nước này cũng đã thành lập một liên minh, đồng thời cắt đứt quan hệ với Pháp - đối tác an ninh truyền thống của ECOWAS. Burkina Faso, Mali và Niger khẳng định sẽ rút khỏi ECOWAS ngay lập tức mà không cần thời gian một năm chuẩn bị theo quy định của khối này. Trong một công hàm của Bộ Ngoại giao Burkina Faso gửi ECOWAS, Burkina Faso khẳng định việc rút khỏi ECOWAS là quyết định không thể đảo ngược, đồng thời nhấn mạnh nước này không còn bị ràng buộc với việc tuân thủ quy định thời gian chuẩn bị một năm trước khi rút khỏi khối này. Mali cũng tái khẳng định sẽ rút khỏi ECOWAS không trì hoãn, không cần thời gian một năm chuẩn bị. Trong thư gửi ECOWAS, giới chức Niger cũng nhấn mạnh quyết định rút khỏi ECOWAS ngay lập tức.
Hiệp ước thành lập ECOWAS có điều khoản quy định các nước thành viên tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ trong giai đoạn một năm sau khi chính thức thông báo rút khỏi khối. Ba nước nêu trên đều là những thành viên sáng lập ECOWAS nên việc rút khỏi khối này làm dấy lên lo ngại các hoạt động thương mại nội khối và tiến trình thúc đẩy chuyển tiếp chính quyền quân sự sang dân sự ở các nước này sẽ gặp khó khăn.
Một tuần sau khi giải tán chính phủ chuyển tiếp, nhà lãnh đạo chính quyền quân sự ở Guinea, Tướng Mamady Doumbouya ngày 27/2 ký sắc lệnh bổ nhiệm nhà kinh tế Amadou Oury Bah làm Thủ tướng mới. Trước đó, ngày 19/2, chính quyền quân sự ở Guinea thông báo giải tán chính phủ chuyển tiếp do Thủ tướng Bernard Goumou lãnh đạo, song không nêu lý do. Guinea nằm dưới sự kiểm soát của quân đội kể từ khi chính quyền quân sự lên nắm quyền sau cuộc đảo chính hồi tháng 9/2021. Tháng 10/2022, các bên liên quan nhất trí về thời gian chuyển tiếp kéo dài 24 tháng. Trước áp lực của cộng đồng quốc tế, người đứng đầu chính quyền quân sự ở Guinea, Tướng Mamady Doumbouya cam kết sẽ đưa nước này trở lại chế độ dân sự vào cuối năm nay.
Trong khi đó, ECOWAS bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh bất ổn ở Niger, sau khi xảy ra một cuộc tấn công khủng bố liều lĩnh nhằm vào một doanh trại quân đội ở thị trấn Tibiri, thuộc vùng Maradi, miền đông Niger, làm bốn binh sĩ thiệt mạng và hai người bị thương. Đài phát thanh quốc gia Niger cho biết, số phần tử tham gia vụ tấn công lên tới vài trăm người, cho thấy cuộc tấn công này được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Các phần tử vũ trang sử dụng khoảng 100 xe máy và tấn công thẳng vào doanh trại quân đội. Cộng đồng quốc tế lo ngại rằng, với quyết định rời khỏi ECOWAS và các cuộc tấn công khủng bố không ngừng gia tăng, giấc mơ khôi phục an ninh và ổn định ở Niger càng trở nên xa vời.