Châu Phi hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện

Công bố dự báo tăng trưởng khu vực cận Sahara của châu Phi, Ngân hàng Thế giới (WB) bày tỏ lo ngại về một “thập kỷ mất mát” đối với khu vực này khi phải đối mặt với sự bất ổn ngày càng tăng. Tác động của biến đổi khí hậu và những hạn chế về nguồn cung do cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã khiến lạm phát tăng cao, các điều kiện tài chính và tiền tệ bị thắt chặt, làm trầm trọng thêm những khó khăn của người dân trong khu vực. Tuy nhiên, các nước châu Phi đang đưa ra các mục tiêu, chính sách, chiến lược nhằm vượt qua những khó khăn để hướng tới phát triển toàn diện.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người Sudan phải chạy tị nạn do xung đột. (Ảnh REUTERS)
Nhiều người Sudan phải chạy tị nạn do xung đột. (Ảnh REUTERS)

WB ước tính, tăng trưởng của khu vực cận Sahara của châu Phi sẽ đạt 2,5% trong năm 2023, thấp hơn mức 3,6% của năm 2022, do sự suy thoái ở các nền kinh tế chính trong khu vực. Nền kinh tế Nigeria dự kiến sẽ tăng trưởng 2,9%, trong khi Angola sẽ đạt 1,3% và Nam Phi chỉ 0,5%. Vấn đề thậm chí còn khó khăn hơn đối với khu vực là GDP bình quân đầu người đã không tăng kể từ năm 2015, trong khi mức tăng trưởng của chỉ số này có thể chỉ là 0,1% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2025.

Những lý do như bất ổn chính trị cũng như xung đột và bạo lực gia tăng được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tăng trưởng chậm lại và suy thoái mạnh ở một số quốc gia, chẳng hạn như Sudan, nền kinh tế đã từng được dự đoán sẽ giảm 12% trong năm 2023 vì phải đối mặt với cuộc xung đột kéo dài. Đáng lo ngại hơn nữa, nợ công vẫn là một nguyên nhân gây lo ngại, với hơn 20 quốc gia trong khu vực có nguy cơ mắc nợ ở mức cao.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu, giá lương thực cao và nguồn cung gián đoạn là nguyên nhân gây ra nạn đói và suy dinh dưỡng cho hàng triệu người ở Trung Phi và Đông Phi. Mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng WB vẫn chỉ ra một số lĩnh vực đang được cải thiện, lạm phát trong khu vực giảm. Ngoài ra, một số tổ chức trong khu vực đang hoạt động hiệu quả hơn, chẳng hạn như Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), nơi được cho là sẽ có mức tăng trưởng tích lũy là 5,1% và Cộng đồng Đông Phi, nơi có nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9%.

Tại hội nghị của Ủy ban liên chính phủ các quan chức và chuyên gia cấp cao (ICSOE) khu vực Trung Phi và Đông Phi, do Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (UNECA) và Chính phủ Burundi đồng tổ chức, Giám đốc Văn phòng UNECA khu vực Trung Phi, ông Jean Luc Mastaki kêu gọi các bên tham gia hội nghị cân nhắc giải quyết những thách thức chính mà các nước ở Đông và Trung Phi đang phải đối mặt, nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đạt chuẩn về chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Theo đó, cần tháo gỡ các rào cản hạn chế đối với an ninh lương thực và khai phá tiềm năng của nền tảng thực phẩm kỹ thuật số-lĩnh vực có thể tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin và nông phẩm dễ dàng và hiệu quả hơn giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng và thương nhân. Hội nghị muốn tìm biện pháp để đưa khu vực này trở thành nguồn cung cấp sản phẩm chất lượng và điểm đến đầu tư được lựa chọn, với mục tiêu thúc đẩy công nghiệp hóa, đa dạng hóa kinh tế và tăng cường an ninh lương thực. Trong khi đó, tại cuộc họp của Hội đồng điều hành Liên minh châu Phi, với chủ đề “Thúc đẩy triển khai Chương trình nghị sự 2063”, Phó Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Monique Nsanzabaganwa đã kêu gọi bảo đảm phát triển toàn diện cho người dân sinh sống ở châu Phi.

Theo bà Nsanzabaganwa, khi theo đuổi tầm nhìn để châu Phi có được tiếng nói bình đẳng trong các quyết định toàn cầu, cần bảo đảm không một người dân châu Phi nào bị bỏ lại phía sau khi triển khai các kế hoạch từ cấp chính quyền địa phương, quốc gia hay khu vực. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc hiện thực hóa kế hoạch phát triển lục địa 50 năm đến năm 2063, do AU đề xuất, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu phát triển toàn diện tại châu Phi.

Hướng tới triển khai kế hoạch 10 năm lần thứ 2, từ năm 2024-2033, cho châu Phi, AU cho rằng đây sẽ là giai đoạn tăng tốc, được xây dựng dựa trên nền tảng của giai đoạn 10 năm lần thứ nhất.

Nội dung bản dự thảo kế hoạch 10 năm lần thứ hai đã nêu bật bảy tham vọng phù hợp từng mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2063 của AU, bao gồm đưa toàn bộ quốc gia châu Phi gia nhập nhóm thu nhập trung bình, hướng tới một châu Phi hội nhập và kết nối hơn, xây dựng các thể chế công đáp ứng tốt nhu cầu của người dân hơn, giải quyết hiệu quả các xung đột, khai thác và quảng bá các giá trị khu vực, cải thiện năng suất và trao quyền nhiều hơn cho người dân châu Phi, hướng tới một châu Phi mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng toàn cầu.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa kế hoạch đầy tham vọng này, châu Phi cần vượt qua nhiều thách thức nảy sinh từ bất ổn, xung đột, một “căn bệnh trầm kha” của châu lục.