Phát biểu ý kiến tại lễ ra quân khởi công dự án, Quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Công Long nhấn mạnh, được sự chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Hàng không Việt Nam; sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan, lãnh đạo VATM đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và quyết tâm cao độ triển khai thực hiện dự án, thực hiện tốt chức năng chủ đầu tư, quản lý dự án, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu tư vấn, thi công, giám sát để giữ vững tiến độ và bảo đảm chất lượng.
Dự án Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh có tính chất đặc biệt quan trọng, tổng mức đầu tư hơn 1.495 tỷ đồng từ nguồn vốn của VATM và vốn hợp pháp khác. Dự án sẽ thay thế Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh hiện hữu, đáp ứng việc cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay như kiểm soát không lưu, giám sát hoạt động bay, thông tin, liên lạc hàng không, quản lý luồng không lưu cho các hoạt động bay dân dụng, vận tải quân sự, các hoạt động bay chuyên dùng khác cho toàn bộ vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh).
Dự án có tính chất cấp bách, cần được khẩn trương triển khai để bảo đảm khai thác đồng bộ với Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Với tính chất đặc biệt quan trọng của dự án, ngày 2/2/2024, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Lệnh xây dựng khẩn cấp công trình dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh. Dự án chính thức được khởi công ngày 15/2/2024, phấn đấu hoàn thành vào ngày 15/5/2025.
Dự án nhằm mục tiêu nâng cao năng lực điều hành bay của VATM được Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) công nhận trong toàn bộ FIR Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu phát triển của hoạt động bay trong nước và khu vực. Dự án đáp ứng được việc đổi mới, tổ chức lại vùng trời, cơ sở điều hành bay, phương thức điều hành bay để bảo đảm điều hành bay trong điều kiện lưu lượng bay tăng nhanh.
Nguyễn Công Long
Quyền Tổng Giám đốc VATM
Đặc biệt Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh bảo đảm cho việc cung cấp dịch vụ kiểm soát tiếp cận cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) được hoàn thành vào cuối năm 2025. Bên cạnh lợi ích kinh tế, dự án còn có ý nghĩa về mặt chính trị, an ninh quốc phòng của quốc gia; khẳng định trách nhiệm, quyền điều hành bay, bảo đảm các hoạt động an ninh hàng không trên biển Đông của ngành không lưu Việt Nam.
“Dự án nhằm mục tiêu nâng cao năng lực điều hành bay, an toàn và chất lượng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của VATM được Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) công nhận trong toàn bộ FIR Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu phát triển của hoạt động bay trong nước và khu vực, đồng thời bảo đảm các yếu tố về kinh tế, môi trường, an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Dự án đáp ứng được việc đổi mới, tổ chức lại vùng trời, cơ sở điều hành bay, phương thức điều hành bay để đảm bảo điều hành bay trong điều kiện lưu lượng bay tăng nhanh”, Quyền Tổng Giám đốc VATM Nguyễn Công Long nhấn mạnh.
Các đơn vị triển khai thi công dự án, quyết tâm hoàn thành dự án theo đúng mục tiêu và kế hoạch đề ra. |
Dự án được đầu tư mới các hệ thống thiết bị tiên tiến, hiện đại, phù hợp tiến trình đổi mới công nghệ CNS/ATM của khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng thế giới. Hệ thống quản lý không lưu ATM và các hệ thống bảo đảm hoạt động bay khác được đầu tư hiện đại, đồng bộ cho các cơ sở kiểm soát không lưu: Kiểm soát tiếp cận Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, các đài kiểm soát không lưu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Tuy Hòa, Côn Sơn, Rạch Giá, Cà Mau.
VATM bảo đảm điều hành tuyệt đối an toàn hoạt động bay
Quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Công Long cũng yêu cầu nhà thầu trực tiếp tham gia các hạng mục của công trình hợp tác chặt chẽ với chủ đầu tư, quyết tâm hoàn thành công trình đúng tiến độ và chất lượng, an toàn theo mục tiêu và kế hoạch đề ra.