Điều hành bay an toàn - hiệu quả
Hiện nay, VATM chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong toàn bộ vùng trời chủ quyền trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và tại tất cả các cảng hàng không, sân bay trên cả nước. Với quy mô cung cấp dịch vụ trên diện tích gần 1,2 triệu km2, phạm vi hoạt động trải dài gần 30 tỉnh, thành phố của cả nước, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường hàng không nội địa và 36 đường hàng không quốc tế, đặc biệt FIR Hồ Chí Minh có các đường hàng không với mật độ bay cao, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông. Xác định điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm là lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh và năng lực cốt lõi, VATM luôn chủ trương không ngừng nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ thông qua việc đổi mới, cải tiến phương thức điều hành bay; tối ưu hóa tổ chức vùng trời; áp dụng công nghệ dẫn đường tiên tiến tại các sân bay có mật độ hoạt động bay cao; tích cực học tập, hợp tác với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để nghiên cứu tối ưu hóa vùng trời và phương thức bay tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nóng của hàng không trong nước và quốc tế.
30 năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, bằng ý chí quyết tâm, tập thể cán bộ, nhân viên VATM đã bảo đảm điều hành bay tuyệt đối an toàn cho hơn 11 triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm. Liên tục trong nhiều năm, VATM là đơn vị dẫn đầu ngành hàng không về năng suất, chất lượng và hiệu quả (tổng thu điều hành bay ước đạt gần 65 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 32 nghìn tỷ đồng). Ngoài ra, VATM cũng phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội và cơ quan quản lý không lưu các nước trong khu vực, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hoạt động bay không đúng theo kế hoạch hoặc vi phạm quy chế bay, giữ vững an ninh vùng trời Tổ quốc. Các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có thể xem như là những sản phẩm đặc biệt, là kết quả hoạt động liên kết của nhiều chuyên ngành trong một dây chuyền công nghệ khép kín, phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, không được phép có thứ phẩm.
Chủ động đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ mới
Trong nhiều năm qua, VATM luôn được xem là một trong những đơn vị đi đầu ngành hàng không Việt Nam trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ điều hành bay, làm thay đổi cơ bản công nghệ quản lý điều hành bay và đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn kiểm soát điều hành bay của các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Năm 2006, VATM đưa vào khai thác Trung tâm Điều hành bay đường dài, tiếp cận Hồ Chí Minh và năm 2015 khánh thành Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội. Đây là các dự án tiêu biểu của ngành giao thông vận tải, với quy mô, công năng hiện đại ngang tầm khu vực, tạo bước ngoặt trong đầu tư, đổi mới công nghệ điều hành bay. Ngoài ra, đơn vị còn đầu tư nâng cấp và xây mới hàng chục Đài Kiểm soát không lưu, có những đài không lưu là công trình phức tạp, quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao như Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Ngày 29/9/2022, Tổng công ty chính thức khởi công dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do Tổng công ty làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 3.500 tỷ đồng; trong đó, công trình chính là Đài Kiểm soát không lưu và các hạng mục công trình phụ trợ có diện tích 24.000m2.
Bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực
Với một đơn vị mang tính đặc thù về chuyên ngành quản lý bay gồm các chuyên ngành như: không lưu, không báo, kỹ thuật, khí tượng, tìm kiếm - cứu nạn, nhiều năm qua, VATM luôn nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với việc đổi mới các hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại, Quản lý bay cần có một đội ngũ nhân viên với đầy đủ trình độ và năng lực để có thể tiếp thu và vận hành các hệ thống trang thiết bị hiện đại, tiên tiến.
Trong từng giai đoạn phát triển, Tổng công ty luôn đặt ra các định hướng, mục tiêu cụ thể cho hoạt động đào tạo, huấn luyện. Nội dung đào tạo, huấn luyện chủ yếu tập trung bồi dưỡng cho cán bộ quản lý các cấp để nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu cấp chiến lược để triển khai và duy trì các giải pháp quản lý không lưu một cách an toàn và hiệu quả; đào tạo nâng cao năng lực và phát triển đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên, sát hạch viên tiếng Anh; đào tạo chứng chỉ chuyên môn và huấn luyện năng định, định kỳ, phục hồi, chuyển loại, nâng cao cho nhân viên hàng không đáp ứng các yêu cầu theo quy định về giấy phép hành nghề; tập trung đào tạo mũi nhọn cho các đối tượng là lực lượng lao động chuyên ngành quản lý bay, giáo viên, huấn luyện viên, cán bộ xây dựng, khai thác các hệ thống kỹ thuật chuyên ngành mới; bồi dưỡng kiến thức nhằm đáp ứng các tiêu chí về tiêu chuẩn chức danh, đáp ứng yêu cầu chuyên sâu, cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng bảo đảm hoạt động bay và đội ngũ tham mưu, giúp việc; đào tạo nguồn nhân lực cho các công trình bảo đảm hoạt động bay dự kiến đưa vào khai thác, sử dụng; thực hiện đào tạo, huấn luyện về an toàn thông tin theo Kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhằm huy động các nguồn vốn xã hội phục vụ nhu cầu phát triển ngành, Tổng công ty đã tổ chức tốt công tác xã hội hóa tại nước ngoài và trong nước. Để nâng cao hơn nữa năng lực an toàn và chất lượng dịch vụ điều hành bay, đào tạo được đội ngũ kiểm soát viên không lưu có trình độ ngang bằng các nước trong khu vực, năm 2015, Tổng công ty đã xây dựng đề án xã hội hóa đào tạo kiểm soát viên không lưu cho các cơ sở điều hành bay sân bay quốc tế, có cam kết tuyển dụng sau đào tạo. Trong giai đoạn 2015-2019, Tổng công ty đã phối hợp với Airways New Zealand tổ chức tuyển chọn và đào tạo được 65 học viên KSVKL/03 khóa. Các học viên sau khi hoàn thành đào tạo, tốt nghiệp tại Airways New Zealand đã được Tổng công ty tiếp nhận, ký hợp đồng tuyển dụng.
Cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực
Định hướng phát triển của VATM đến năm 2030, hệ thống quản lý bay phải xây dựng được các nền tảng cho sự phát triển bền vững thông qua ba trụ cột: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đổi mới công nghệ và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo hướng chuyên môn hóa hơn nữa nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa nguồn lực; đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực có chất lượng. Hệ thống quản lý bay hàng không dân dụng Việt Nam xác định tổ chức, cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong các FIR do Việt Nam quản lý, các hoạt động bay đi/đến các cảng hàng không, sân bay trong nước là hoạt động sản xuất, kinh doanh cốt lõi, ngoài ra cũng sẵn sàng cho các cơ hội đầu tư, phát triển các sản phẩm, ngành nghề, dịch vụ trong lĩnh vực công nghiệp hàng không phù hợp năng lực, điều kiện của doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội. VATM phấn đấu phát triển năng lực điều hành bay đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ tin cậy, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho 100% số chuyến bay trong vùng trách nhiệm được giao; bảo đảm tới năm 2025, năng lực trên toàn hệ thống đạt 1,5 triệu lần-chuyến/năm. Chất lượng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo đúng các chuẩn mực quốc tế được Bộ Giao thông vận tải và ICAO công nhận; từng bước chủ động tiếp cận quản lý hoạt động bay tầng thấp, tăng cường năng lực quản lý điều hành bay tại các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tới năm 2030, hệ thống quản lý an toàn của Quản lý bay Việt Nam đáp ứng tất cả các yêu cầu của Cộng đồng hàng không quốc tế và tương đương với các nước tiên tiến ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.