Ông Bùi Xuân Sử, Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên cho biết: Hiện nay, Hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP gồm: Nhãn quả tươi, hạt sen, long nhãn, mật ong, bột sắn.
Để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết, Hợp tác xã đã thiết kế các mẫu hộp quà và giỏ quà Tết với mức giá 500.000 - 950.000 đồng/suất quà, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. 100% sản phẩm trong các hộp quà, giỏ quà Tết là các sản phẩm OCOP của hợp tác xã bảo đảm chất lượng và thể hiện được hương vị đặc trưng của vùng đất Phố Hiến. Các mẫu hộp quà, giỏ quà Tết của hợp tác xã được nhiều khách hàng ở trong và ngoài tỉnh hài lòng, đánh giá cao.
Xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên có gà Đông Tảo là một giống gà quý với đặc điểm nổi bật: chân to, tròn; thân hình cao lớn, có trọng lượng từ 4,5 đến 6kg; thịt săn chắc, thơm ngon…
Để khai thác hiệu quả kinh tế của giống gà Đông Tảo, tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ Hợp tác xã chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo xây dựng nhãn hiệu tập thể gà Đông Tảo, hỗ trợ xây dựng sản phẩm chế biến từ Gà Đông Tảo được công nhận OCOP (gà thịt công nhận OCOP 4 sao, giò gà và giò xào công nhận OCOP 3 sao).
Anh Lê Tuấn Cường, thành viên Hợp tác xã chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo chia sẻ: Từ khi một số sản phẩm gà Đông Tảo được công nhận sản phẩm OCOP việc tiêu thụ trở nên thuận lợi và được giá. Với đàn hơn 400 con gà Đông Tảo, hằng năm gia đình tôi cung cấp ra thị trường từ 3.000 đến 4.000 con gà giống và gần tấn thịt gà Đông Tảo, thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Tỉnh Hưng Yên hỗ trợ Hợp tác xã chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu xây dựng nhãn hiệu tập thể gà Đông Tảo. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên, năm 2023 Hội đồng OCOP tỉnh Hưng Yên tổ chức đánh giá, xếp hạng cho 53 sản phẩm của 31 chủ thể, trong đó 49 sản phẩm đạt 3 sao và 4 sản phẩm đạt 4 sao; nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Hưng Yên lên 252 sản phẩm, trong đó có 206 sản phẩm đạt 3 sao và 46 sản phẩm đạt 4 sao.
Chương trình OCOP đã phát huy các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để gia tăng giá trị, thương hiệu sản phẩm OCOP.
Nhiều sản phẩm OCOP đã khai thác, phát huy lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống của địa phương như: Các làng nghề truyền thống dược liệu Nghĩa Trai xã Tân Quang, huyện Văn Lâm; làng nghề mộc mỹ nghệ Hòa Phong xã Hòa Phong, thị xã Mỹ Hào; làng nghề sản xuất và chế biến nghệ Chí Tân xã Chí Tân, huyện Khoái Châu; làng nghề hoa, cây cảnh Xuân Quan, huyện Văn Giang; nhãn lồng Hưng Yên, thành phố Hưng Yên; vải lai chín sớm Phù Cừ; mật ong hoa nhãn Hưng Yên; vải trứng Hưng Yên; long nhãn Hưng Yên; cam Hưng Yên; sen Hưng Yên…
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Lê Văn Thắng cho biết, hiệu quả từ Chương trình OCOP mang lại cho người dân và các chủ thể sản xuất rất lớn: Góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap, hướng hữu cơ, thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; củng cố và nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ thể sản xuất; trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 195 liên kết sản xuất gắn với Chương trình OCOP hoạt động có hiệu quả. Tạo động lực cho chủ thể sản xuất đẩy mạnh phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, gia tăng thành viên, tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn, bảo đảm môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của chương trình OCOP, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Lê Trung Cần cho biết: Năm 2024 tỉnh Hưng Yên triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn chuyên sâu nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành triển khai thực hiện Chương trình OCOP cấp huyện, cấp xã và chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP.
Sản phẩm chế biến ô mai, mứt được công nhận OCOP ở xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. |
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, theo hướng sản xuất VietGap, hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, bảo đảm an toàn thực phẩm truy xuất nguồn gốc và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Phát triển các sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương, có chất lượng nổi trội, đặc sắc. Trong đó ưu tiên sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống được nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo; sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương và tri thức cộng đồng địa phương; sản phẩm có đóng góp vào bảo tồn văn hóa truyền thống.
Sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng và an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường; xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; xây dựng mô hình thử nghiệm, phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với thị trường xuất khẩu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của từng khu vực.
Tăng cường nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về năng lực cộng đồng và tinh thần hợp tác; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với chuỗi liên kết giá trị sản phẩm OCOP.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu cho sản phẩm OCOP; nhất là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thực hiện Chương trình OCOP; từng bước số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về Chương trình OCOP nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý, giám sát, thúc đẩy kết nối cung-cầu sản phẩm. Phấn đấu có trên 90% sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử (postmart.vn, voso.vn, shopee.vn, zalo, facebook, google ads… hoặc ứng dụng thương mại điện tử); có thêm từ 22-30 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên.