Hưng Yên là tỉnh có nhiều loại nông sản khá nổi tiếng như: Gà Ðông Tảo, nhãn lồng, mật ong, long nhãn… Ðể phát huy và nâng cao giá trị nông sản, tỉnh đã ban hành, triển khai những chủ trương, chính sách, chương trình, đề án về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông sản: Nghị quyết số 179/2022/NQ-HÐND ngày 16/3/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Quyết định số 1221/QÐ-UBND ngày 26/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030…
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên tập trung đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ; bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của địa phương; triển khai các hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; tổ chức trưng bày, triển lãm, hỗ trợ xây dựng hệ thống mã số, mã vạch giúp quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc, nâng cao uy tín và giá trị cho sản phẩm…
Ðến nay, Hưng Yên đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 25 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc thù của tỉnh, bao gồm: Một chỉ dẫn địa lý "Hưng Yên" cho sản phẩm nhãn lồng; 11 nhãn hiệu chứng nhận: Nghệ Chí Tân-Khoái Châu, Chuối tiêu hồng Khoái Châu, Vải lai chín sớm Phù Cừ, Mật ong hoa nhãn Hưng Yên, Nếp thơm Hưng Yên, Vải trứng Hưng Yên, Long nhãn Hưng Yên, Cam Hưng Yên, Sen Hưng Yên, Rượu Lạc Ðạo, Rượu Trương Xá; 13 nhãn hiệu tập thể: Tương Bần, Quất cảnh Văn Giang, Gà Ðông Tảo, Cam Quảng Châu, Cam Văn Giang, Cam Ðồng Thanh, Hoa cây cảnh Xuân Quan, Bánh tẻ Phụng Công-Văn Giang, Nấm Nam Hàn-Ân Thi, Giò chả Trai Trang-Yên Mỹ, Dược liệu Nghĩa Trai-Văn Lâm, Hoa cây cảnh Phụng Công-Văn Giang, Dược liệu Khoái Châu.
Các sản phẩm nông sản được công nhận nhãn hiệu cộng đồng vốn đã là các sản phẩm nổi tiếng, đặc thù của các địa phương, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được các tổ chức, đơn vị truyền thông tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, internet… thì các sản phẩm này được khách hàng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi, sản lượng tăng nhanh, chất lượng sản phẩm cao hơn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Kinh doanh gà Ðông Tảo (huyện Khoái Châu) Lê Văn Thắng cho biết: Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể gà Ðông Tảo, huyện Khoái Châu đã thúc đẩy quá trình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm; từ đó, làm tăng giá trị và uy tín của sản phẩm gà Ðông Tảo trên thị trường, mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi.
Xã Ðồng Thanh, huyện Kim Ðộng có khoảng 200 ha cây có múi, chủ yếu là cây cam. Sau gần hai năm xây dựng nhãn hiệu, năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cam Ðồng Thanh cho Hợp tác xã Rau quả và Dịch vụ thương mại Ðồng Thanh; từ đó sản phẩm cam của xã Ðồng Thanh được nhiều người biết đến.
Anh Lương Văn Ðồng, xã Ðồng Thanh, huyện Kim Ðộng, tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Nhờ được công nhận nhãn hiệu tập thể cam Ðồng Thanh cho nên sản phẩm cam của các thành viên trong hợp tác xã tiêu thụ dễ dàng, được giá; một số doanh nghiệp, thương nhân đã về tận địa phương, hợp tác xã ký hợp đồng mua cam với giá cao hơn thị trường 20% để đưa vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối bán cho người tiêu dùng.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên Trần Tùng Chuẩn đánh giá: Phần lớn các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đều được đưa vào khai thác đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ðây là một trong những bước đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề của tỉnh Hưng Yên nhằm hướng tới sản xuất bền vững và tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh.