Trình Quốc hội 8 cơ chế, chính sách đặc thù cho chương trình mục tiêu quốc gia

NDO - Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua một số cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00

Chiều 8/1, tại Phiên họp thứ 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trình bày tờ trình về nội dung này, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tại dự thảo Nghị quyết, Chính phủ trình Quốc hội quyết định 8 cơ chế, chính sách đặc thù.

Trình Quốc hội 8 cơ chế, chính sách đặc thù cho chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 1

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: DUY LINH)

Theo đó, về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định của Luật Ngân sách nhà nước để phân cấp cho các địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết dự toán chi thường xuyên nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương đối với hai chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như cơ chế đã được Quốc hội quyết nghị đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (tại Nghị quyết số 25/2021/QH15).

Cụ thể: (1) Quốc hội quyết định phân bổ dự toán; Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia cho các địa phương theo tổng kinh phí từng chương trình.

(2) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.

Về cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm của chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế chưa được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công. Trong đó, đề xuất cho phép: (1) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được điều chỉnh dự toán ngân sách ngân sách trung ương hỗ trợ năm 2024 và dự toán các năm 2021, 2022, 2023 được kéo dài sang năm 2024 theo nguyên tắc không vượt quá tổng dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao.

(2) UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền phân cấp, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn của các năm 2021, 2022, 2023 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2024 trong tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch.

Về cơ chế cho phép UBND cấp tỉnh được ban hành quy định về thủ tục hành chính (trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ) trong lựa chọn dự án phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế thí điểm khác quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, đề xuất quy định: (1) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc giao UBND cùng cấp quyết định (hoặc quyết định điều chỉnh) trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất.

(2) Trong trường hợp giao UBND cấp tỉnh quyết định (hoặc quyết định điều chỉnh), UBND cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp kết quả ban hành quy định (hoặc kết quả điều chỉnh quy định) về trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất tại kỳ họp gần nhất.

Trình Quốc hội 8 cơ chế, chính sách đặc thù cho chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Về cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế khác quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15. Trong đó, đề xuất quy định chủ dự án phát triển sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân) khi được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cũng được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hóa thuộc nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (không bắt buộc phải thực hiện đấu thầu trong mua sắm hàng hóa).

Các trường hợp cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện việc mua sắm hàng hóa và bàn giao lại chủ dự án, hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất phải thực hiện đấu thầu mua sắm hàng hóa theo quy định Luật Đấu thầu.

Về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công để thí điểm áp dụng cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ cả nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và nguồn vốn tự có của chủ dự án (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân).

Trong đó, đề xuất quy định: (1) Chủ dự án phát triển sản xuất quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong thời gian thực hiện dự án. Cơ quan quản lý dự án chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài sản. (2) Sau thời điểm kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chủ dự án phát triển sản xuất tổ chức kiểm kê, đánh giá và xử lý tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

(3) Cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được quyết định việc hỗ trợ, chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu các trang thiết bị, công cụ, tài sản có giá trị nhỏ được hình thành từ hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cho đối tượng người dân, hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất ngay từ khi phê duyệt dự án.

(4) Giao Chính phủ quy định tiêu chí xác định các trang thiết bị, công cụ, tài sản có giá trị nhỏ; cơ chế đặc thù trong xác định giá trị còn lại và xử lý tài sản được hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

“Quy trình này bảo đảm tính chặt chẽ, hạn chế tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công, hạn chế thất thoát ngân sách nhà nước nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là tại cấp cơ sở”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Trình Quốc hội 8 cơ chế, chính sách đặc thù cho chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 3

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Về cơ chế ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù chưa được quy định cụ thể tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công để thí điểm áp dụng cơ chế cho phép địa phương sử dụng vốn tự cân đối của ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho một số đối tượng của các chương trình mục tiêu quốc gia vay vốn ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế thí điểm phân cấp để triển khai quy định tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. Trong đó, đề xuất cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định:

(1) Điều chỉnh phương án phân bố vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao.

(2) Điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Về cơ chế giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở nguyện vọng của nhiều địa phương, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định tại Luật Đầu tư công.

Trong đó, đề xuất quy định: (1) Các địa phương được dự kiến một phần vốn trong trung hạn để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; không bắt buộc giao tên danh mục dự án này trong trung hạn. (2) Hằng năm, các địa phương thực hiện phân bổ, giao kế hoạch chi tiết đến từng dự án cụ thể và bảo đảm không vượt mức vốn đã dự kiến trong trung hạn.

Cần thiết ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để gỡ khó cho chương trình mục tiêu quốc gia

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số vấn đề như: tên gọi của Nghị quyết, phạm vi điều chỉnh, các nội dung cụ thể và tính khả thi của các chính sách, xử lý kết luận của Kiểm toán theo quyết định của Quốc hội, thời hạn áp dụng, cơ chế chuyển tiếp, cùng một số vấn đề các đại biểu quan tâm…

Trình Quốc hội 8 cơ chế, chính sách đặc thù cho chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 4

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định sự cần thiết của Nghị quyết và ghi nhận vai trò tích cực của Chính phủ và các cơ quan thẩm tra. Nhấn mạnh một số nội dung, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát để thể hiện tên gọi một cách ngắn gọn.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không được trái với những chủ trương, đường lối của Đảng; phải phù hợp với Hiến pháp, các thỏa thuận quốc tế.

Đối với việc phân cấp cho cấp huyện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp phân cấp cho cấp huyện chưa phát huy tác dụng ngay hoặc giúp ích cho quá trình xây dựng nội dung chương trình của thời gian tới thì sẽ quy định trong Nghị quyết của Quốc hội khi phê chuẩn các chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn tới.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với sự cần thiết của việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù là xuất phát từ thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả của các chương trình này trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh hồ sơ, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết bảo đảm chất lượng; đề nghị Hội đồng Dân tộc tổ chức phiên thẩm tra chính thức về nội dung này để kịp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.