Đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tiếp nhận 64.354 hồ sơ bảo hiểm xã hội tự nguyện tự động trực tuyến, trong đó có 15 hồ sơ đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trực tuyến qua Cổng dịch vụ công.
100% hồ sơ giấy đều được số hóa. Có 157.171 người đăng ký, đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID, đạt 100,06% so với kế hoạch. Tiếp nhận từ Cổng dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 1.462 trường hợp.
Có 5.923 giấy chứng sinh điện tử được cấp thuộc 16 đơn vị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 5.821 giấy khám sức khỏe điện tử được cấp thuộc 10 đơn vị…
Kết quả đồng bộ dữ liệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tính đến ngày 30/11/2023, số lượng người có căn cước công dân, định danh cá nhân đã được cập nhật và xác thực với Bộ Công an là 755.363 người, chiếm 99,71% và xếp thứ 3 toàn quốc.
Người dân sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh. |
Việc sử dụng căn cước công dân gắn chip trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là một bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính. Thay vì tốn thời gian vào việc làm thủ tục giấy tờ, người dân sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Với những lợi ích mang lại, đã có 167/167 cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip đạt 100%, với mức độ tra cứu thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt hơn 85%.
Chị Trần Thị Thanh Hương, tổ dân phố Trầm Ân, thị trấn Yên Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Trước đây, khi dùng thẻ bảo hiểm y tế giấy, tôi rất nhiều lần gặp khó khăn khi đi khám, chữa bệnh do thẻ cũ, số thẻ bị mờ. Tuy nhiên, sau khi sử dụng ứng dụng bảo hiểm xã hội số VssID tích hợp được nhiều tiện ích trong đó có hình ảnh thẻ, mã QR thẻ bảo hiểm y tế, chỉ cần qua vài thao tác đơn giản là tôi có thể dễ dàng đăng ký thăm, khám bệnh. Bên cạnh đó, còn có thể theo dõi được cả quá trình đóng bảo hiểm xã hội của mình, rất là tiện.
Bác sĩ Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phương Bắc cho biết, để thực hiện việc sử dụng ứng dụng công nghệ số trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, từ tháng 10 năm 2021, Bệnh viện đa khoa Phương Bắc đã bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng về công nghệ thông tin như hệ thống máy tính, đầu đọc quét mã QR và mạng wifi để sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân đến khám sử dụng căn cước công dân gắn chíp và sử dụng ứng dụng VssID, VNeID thay bảo hiểm y tế giấy.
Bệnh viện cũng thường xuyên tập huấn cho cán bộ nhân viên sử dụng thành thạo ứng dụng VssID trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Việc sử dụng VssID tiết kiệm thời gian cho người bệnh cũng như thời gian tiếp nhận người bệnh cho các cơ sở y tế.
Hướng dẫn sử dụng ứng dụng VssID cho các em học sinh. |
Bà Hồ Thị Hải, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang cho biết, toàn bộ các thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang đủ điều kiện đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Các dịch vụ công được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức, như: Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cổng dịch vụ công Quốc gia, Ứng dụng VsslD, tổ chức IVAN, VNPost... Số đơn vị thực hiện giao dịch điện tử trên địa bàn đạt hơn 91%; 100% hồ sơ giấy đều được số hóa, cập nhật hồ sơ đã tiếp nhận vào Phần mềm tiếp nhận hồ sơ, cấp mã hồ sơ thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo quy định, ký số, sau đó chuyển hồ sơ cho bộ phận nghiệp vụ giải quyết hồ sơ.
Đến nay, công tác cập nhật, xác thực thông tin người tham gia xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện kịp thời, nhanh chóng, kết quả đồng bộ dữ liệu đạt đến 96%, đứng thứ ba toàn quốc.
Tuy nhiên, việc rà soát, xác minh, làm sạch thông tin người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gặp nhiều khó khăn: nhiều trường hợp thực tế công dân không có hộ khẩu thường trú, không còn đăng ký thường trú trên địa bàn; một số công dân sau khi đi khai sinh không đăng ký thường trú theo quy định do vậy không có thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nhóm đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hằng tháng, người có công, cựu chiến binh, hưu trí... có sai lệch họ tên, năm sinh cần phải hiệu chỉnh thông tin cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đổi lại căn cước công dân…
Bà Hải cho biết thêm, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh đẩy mạnh việc chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tài khoản cho các đối tượng được hưởng, bảo đảm đúng kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao. Thực hiện có hiệu quả, thiết thực các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 nhóm dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 và nhóm dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022.
Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng tập trung bám sát kế hoạch truyền thông của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang nhằm phát huy vai trò truyền thông cấp cơ sở đến trực tiếp người dân, đơn vị, doanh nghiệp.
Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền về Đề án 06 và hướng dẫn người dân tạo tài khoản, tiếp cận, thay đổi thói quen truyền thống để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Sẵn sàng phối hợp Sở Y tế tỉnh và cơ quan công an triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trên căn cước công dân gắn chip trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để mở rộng triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 2 nhóm thủ tục liên thông: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí. Đẩy mạnh việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.