Tại tỉnh Tuyên Quang, việc ứng dụng công nghệ số để thực hiện chuyển đổi số theo từng ngành, từng lĩnh vực được xem là khâu then chốt trong tiến trình cải cách hành chính, triển khai chính phủ điện tử nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Danh mục dữ liệu mở và kế hoạch triển khai cung cấp dữ liệu mở của tỉnh gồm 17 dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Tỉnh có 7/7 cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền số đạt tỷ lệ 100%. Hiện nay, tỉnh cung cấp 1.941 dịch vụ hành chính công trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, dịch vụ công mức độ 3: 282 dịch vụ, đạt 15%; dịch vụ công mức độ 4: 1.054 dịch vụ, đạt 56%.
Người dân dễ dàng truy xuất các loại hàng hóa khi quét mã QR code. |
Với phương châm “Trách nhiệm, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả” lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo kết quả của công tác cải cách hành chính, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang đã tích cực ứng dụng hiệu quả hoạt động chuyển đổi số. Qua đó, từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác, có đạo đức công vụ, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Ông Vũ Xuân Quỳnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang cho biết, hiện nay, 100% cán bộ, công chức của phường đã sử dụng thành thạo phần mềm quản lý và điều hành văn bản để xử lý văn bản trên môi trường mạng. Số thủ tục hành chính tại phường đang thực hiện là 137 thủ tục, thực hiện số hóa 117 hồ sơ, giấy tờ thuộc lĩnh vực hộ tịch. Đến nay, Ủy ban nhân dân phường đã tiếp nhận và giải quyết 4.182 hồ sơ thuộc thẩm quyền, 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn và trước hạn, không có hồ sơ tồn đọng.
Nhiều dịch vụ đã được cập nhật lên hệ thống dịch vụ công trực tuyến như đăng ký khai sinh, khai tử, chứng thực điện tử, đăng ký tạm trú tạm vắng… Tuy nhiên, thời gian đầu việc triển khai dịch vụ công trực tuyến gặp nhiều khó khăn do đa số người dân chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại thông minh nên bỡ ngỡ khi tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Do đó, phường đã chỉ đạo cán bộ, công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tăng cường tuyên truyền về lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời, hướng dẫn người dân lập tài khoản, thao tác gửi hồ sơ qua mạng, giúp người dân gỡ bỏ tâm lý ngại khó, quen với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính. Đối với người dân không sử dụng điện thoại thông minh, người cao tuổi, cán bộ phường hỗ trợ tạo tài khoản cho người dân, nộp hồ sơ giúp người dân.
Cán bộ Ủy ban nhân dân phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính. |
Ông Nguyễn Đức Toàn, ở tổ 17, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang cho biết, dịch vụ công trực tuyến mang đến tiện ích cho người dân rất nhiều, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại giải quyết thủ tục hành chính; tăng tính công khai, minh bạch. Nhiều dịch vụ thuận tiện và đã được liên thông giữa các ngành, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện như khi đăng ký khai sinh, đăng ký dịch vụ bảo hiểm y tế cho trẻ.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện ứng dụng công nghệ số vào sản xuất để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách hàng. Trung tâm xúc tiến đầu tư của tỉnh cũng đã tổ chức các lớp nâng cao kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, xây dựng không gian quảng bá sản phẩm trên môi trường số và tương tác hiệu quả; thực hành bán hàng trên môi trường số.
Anh Khổng Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Việt Bắc, phường Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang cho biết: Từ khi được hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, Hợp tác xã đã mở rộng thị trường, thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền. Doanh thu tăng khoảng 50% so với trước đây. Chúng tôi cũng chủ động học hỏi, tiếp cận sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok cũng như tham gia các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã như tinh dầu chanh, nước cốt chanh, nước rửa bát, nước giặt.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 251.579 tài khoản Mobile Money, ví điện tử đang hoạt động để khách hàng có thể thanh toán các giao dịch trực tuyến một cách dễ dàng, thuận tiện. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận hóa đơn điện tử với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số đạt 100%. Sàn thương mại điện tử tỉnh có 904 doanh nghiệp đăng ký tham gia với 2.456 sản phẩm về nông, lâm, thủy sản, dịch vụ du lịch, lữ hành…
Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 75%; 55% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; 84% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác. Tỉnh có 1 kiosk ngân hàng số và 90 máy giao dịch tự động, hơn 350 máy POS/mPOS, trên 30.000 QR code, Viet QR đang hoạt động; hơn 800 đơn vị hưởng lương ngân sách thực hiện trả lương qua tài khoản và khoảng 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nộp thuế qua ngân hàng; 100% các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện chi trả lương hưu qua ngân hàng cho các đối tượng thụ hưởng…
Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài do đó, cần có sự quyết tâm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từng cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân phải luôn sẵn sàng thay đổi nhận thức, coi chuyển đổi số thật sự là thời cơ, vận hội; từ đó ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số đem lại để phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị mình, cho cộng đồng và xã hội.
Việc phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số là nhiệm vụ đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, đồng bộ ở các cấp, các ngành, các đơn vị. Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, cộng với sự đồng thuận của toàn xã hội sẽ góp phần cho sự phát triển nhanh, bền vững trong việc xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số.