Chuyển đổi mạnh mẽ xây dựng "bảo hiểm xã hội Việt Nam số"

Chuyển đổi mạnh mẽ xây dựng "bảo hiểm xã hội Việt Nam số"

Là cơ quan triển khai thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thường xuyên tương tác, giao dịch và phục vụ hầu hết người dân, doanh nghiệp, người lao động. Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng, liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tích cực kết nối, chia sẻ dữ liệu thực hiện chuyển đổi số quốc gia

Tại Hội nghị Sơ kết một năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số diễn ra ngày 25/12, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện nay, ngành đang quản lý dữ liệu của hơn 98,7 triệu dân và hộ gia đình.

Trong số đó, có 90,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, 15,9 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 4,9 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; kết nối trực tuyến với hơn 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh; xử lý và tiếp nhận gần 300 triệu lượt hồ sơ trực tuyến hằng năm (trong đó, trung bình mỗi năm có khoảng 170 triệu lượt đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế).

Chuyển đổi mạnh mẽ xây dựng "bảo hiểm xã hội Việt Nam số" ảnh 1

Toàn bộ dữ liệu và ứng dụng nêu trên được quản lý và lưu trữ tập trung, liên thông, thống nhất tại Trung tâm dữ liệu chính và Trung tâm dữ liệu dữ liệu dự phòng. Có thể thấy, Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm và tương tác của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam với hầu hết người dân có sự lan tỏa, ảnh hưởng rất lớn.

Chuyển đổi mạnh mẽ xây dựng "bảo hiểm xã hội Việt Nam số" ảnh 2

Những kết quả nổi bật góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia

Ngay khi khởi động Đề án 06 của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một trong số ít đơn vị đầu tiên tham gia kết nối, đồng bộ, xác thực dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong quá trình triển khai, tại một vài thời điểm còn có khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của hai ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam và công an, đến nay, đã có được một số kết quả nổi bật theo kế hoạch của Đề án 06.

Thứ nhất, hoàn tất kết nối kỹ thuật để chia sẻ, đồng bộ, xác thực dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hơn 71 triệu nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên tổng số 85,4 triệu người tham gia.

Hiện tại, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phối hợp rất chặt chẽ Bộ Công an để tiến tới đồng bộ tiệm cận 100% dữ liệu. Đây vừa là một cơ sở, tiền đề rất quan trọng để chuẩn hóa dữ liệu hai ngành phục vụ cho quản lý, vừa phục vụ cho việc cải cách, liên thông các thủ tục hành chính, cắt giảm giấy tờ công dân.

Chuyển đổi mạnh mẽ xây dựng "bảo hiểm xã hội Việt Nam số" ảnh 3
Ảnh: Trần Hải.

Thứ hai, hoàn thành việc sử dụng thẻ căn cước công dân và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) để người dân đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Hiện đã có 12.024 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp (đạt tỷ lệ gần 94%), với gần 9 triệu lượt tra cứu thông tin bảo hiểm y tế qua căn cước công dân phục vụ khám, chữa bệnh. Đồng thời, hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Công an đã tích hợp thông tin người tham gia bảo hiểm y tế trên ứng dụng VNeID để người dân cũng có thể sử dụng để đi khám, chữa bệnh.

Chuyển đổi mạnh mẽ xây dựng "bảo hiểm xã hội Việt Nam số" ảnh 4

Thứ ba, chủ trì và phối hợp hoàn thành cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu được giao tại Đề án 06. Gồm:

- Tích hợp, cung cấp dịch vụ gia hạn thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình có giảm trừ mức đóng từ tháng 7/2022. Nếu chỉ 50% số người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thực hiện gia hạn trực tuyến, sẽ tiết kiệm được chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân, xã hội hằng năm rất lớn, vào khoảng hơn 850 tỷ đồng, và số tiền này dự tính còn tăng.

- Đã hoàn thành tái cấu trúc quy trình, ban hành dịch vụ công trực tuyến chi trả trợ cấp thất nghiệp trên môi trường điện từ. Trước đây, người lao động phải đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để nộp tờ khai kèm sổ bảo hiểm xã hội; hiện nay thì chỉ cần lập tờ khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia của Văn phòng Chính phủ, sau đó tự động chuyển Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác thực và cấp bản điện tử xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp để Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ra quyết định và Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả tự động, cấp thẻ bảo hiểm y tế.

- Đã hoàn thành tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ và điều chỉnh, nâng cấp phần mềm phục vụ triển khai 2 nhóm Dịch vụ công liên thông (Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí).

Chuyển đổi mạnh mẽ xây dựng "bảo hiểm xã hội Việt Nam số" ảnh 5
Ảnh: Tâm Trung.

Từ ngày 21/11/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai làm điểm tại hai địa phương là Hà Nội và Hà Nam. Tính đến nay, thông qua 2 nhóm dịch vụ công liên thông này, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội và Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận và giải quyết gần 3.000 lượt hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và giải quyết hưởng trợ cấp mai táng phí.

Thứ tư, phối hợp triển khai Sổ sức khỏe điện tử.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công an tham gia xây dựng, ban hành Quyết định số 3074/QĐ-BYT về việc quy định nhóm thông tin cơ bản về y tế thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Nghị định số 43/2021/NĐ-CP (là Cơ sở dữ liệu của Chính phủ giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị chủ quản) phục vụ việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử…

Chuyển đổi mạnh mẽ xây dựng "bảo hiểm xã hội Việt Nam số" ảnh 6

Hội nghị Sơ kết một năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. (Ảnh: Trần Hải)

Thứ năm, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe phục vụ việc cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nâng cấp Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đáp ứng yêu cầu.

Cụ thể:

  • Bổ sung chức năng cho phép cơ sở y tế đăng ký tài khoản, đăng ký chữ ký số để phục vụ việc gửi dữ liệu khám sức khỏe lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế.
  • Bổ sung chức năng để Bộ Y tế/Sở Y tế (cơ quan chủ quản cơ sở y tế) phê duyệt đăng ký cấp tài khoản cho cơ sở y tế (tại mục 1 nêu trên).
  • Bổ sung hàm gửi dữ liệu khám sức khỏe để phần mềm của cơ sở y tế kết nối với Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế thông qua dịch vụ web (API).
Chuyển đổi mạnh mẽ xây dựng "bảo hiểm xã hội Việt Nam số" ảnh 7

Triển khai ứng dụng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay trên căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Hà Nội (Ảnh: Tâm Trung).

Đồng thời, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chíp để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Hoạt động này đã thí điểm tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, Bệnh viện đa khoa Đồng Hới) và thành phố Hà Nội (Bệnh viện An Việt); triển khai xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của Văn phòng Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương và Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa (Hà Nội).

Quá trình thử nghiệm đã mang lại hiệu quả rất tích cực, được cán bộ trong ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá cao về tính khả thi trong ngăn ngừa trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thêm tiện ích cho người dân để qua đó phòng ngừa và phát hiện trục lợi.

Đặc biệt, vừa qua, thông qua kiểm tra thông tin sinh trắc (dùng thiết bị đối chiếu vân tay lưu trong chíp của căn cước công dân và vân tay của người đến làm thủ tục) tại Bộ phận "Một cửa" của Văn phòng Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương đã phát hiện trường hợp sử dụng căn cước công dân giả đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà nếu dùng mắt thường thì không thể nhận biết được. Hiện nay, cơ quan BHXH đã thành lập tổ công tác để tiến hành kiểm tra tại địa phương và đang phối hợp cơ quan Công an để điều tra, xử lý đối tượng này.


Quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện

Chuyển đổi mạnh mẽ xây dựng "bảo hiểm xã hội Việt Nam số" ảnh 8

Thời gian qua, việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, đã tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam để phục vụ người dân, doanh nghiệp; giải quyết, chi trả chế độ, chính sách kịp thời, nhanh chóng, chính xác; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp …

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và Quyết định số 942/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đánh giá mục tiêu đến năm 2025, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra.

Nhận thức rõ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay tác động rất lớn đến các mặt công tác của ngành, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế làm trung tâm; hướng tới mục tiêu hoàn thiện ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam số, đem lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển đổi mạnh mẽ xây dựng "bảo hiểm xã hội Việt Nam số" ảnh 9
Thí điểm tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tích hợp xác thực sinh trắc vân tay tại bộ phận Một cửa, Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa, Hà Nội (Ảnh: Tâm Trung).

Theo đó, trong thời gian tới, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng Đề án tổng thể về Chuyển đổi số của ngành; Hình thành ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam số, với nguồn nhân lực số chất lượng cao;

Tiếp tục nâng cấp, hiệu chỉnh, hoàn thiện các phần mềm để đáp ứng các quy trình nghiệp vụ, bảo đảm 100% phần mềm được liên thông theo quy định; hoàn chỉnh hệ thống thông tin quản lý, triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam.

Chuyển đổi mạnh mẽ xây dựng "bảo hiểm xã hội Việt Nam số" ảnh 10

Đồng thời triển khai xây dựng trung tâm giám sát, điều hành thông minh để giám sát, điều hành hoạt động trong toàn ngành; tiếp tục bổ sung năng lực, hoàn thiện các trung tâm dữ liệu của ngành, ưu tiên ứng dụng các công nghệ (như: AI, BigData, Cloud Computing...) làm nền tảng cho phát triển ứng dụng, dịch vụ mới để mang lại hiệu quả trong quản lý, xây dựng thành công ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của tổ chức và cá nhân, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Xuất bản ngày: 27/12/2022

Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH - HỒNG MINH

Nội dung: LAN VŨ - NGÂN LÊ

Trình bày: PHƯƠNG NAM

Ảnh: TRẦN HẢI và TÂM TRUNG

back to top