Một số nước châu Á dẫn đầu Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA)

NDO - Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) chỉ rõ, trong khi khu vực châu Á có kết quả tốt trong cuộc khảo sát PISA năm 2022, nhiều khu vực khác trên thế giới lại có dấu hiệu đi xuống.
0:00 / 0:00
0:00
Kết quả PISA 2022 cho thấy, Singapore là nước dẫn đầu ở cả 3 lĩnh vực toán, đọc và khoa học. Ảnh: Reuters
Kết quả PISA 2022 cho thấy, Singapore là nước dẫn đầu ở cả 3 lĩnh vực toán, đọc và khoa học. Ảnh: Reuters

PISA (Programme for International Student Assessment) là Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thực hiện 3 năm 1 lần cho các học sinh ở độ tuổi 15.

Mục đích của cuộc khảo sát này này là đánh giá năng lực sử dụng kiến thức và kỹ năng trong các môn toán, đọc và khoa học của học sinh khi đối mặt với những thách thức trong thực tế cuộc sống.

Gần 700.000 học sinh của 81 quốc gia và nền kinh tế đã tham gia PISA năm 2022.

Singapore đứng đầu

Kết quả PISA 2022 do OECD công bố ngày 5/12 vừa qua cho thấy, Singapore là nước dẫn đầu ở cả 3 lĩnh vực, với điểm toán: 575, điểm đọc: 543, điểm khoa học: 561. Như vậy, so với kỳ khảo sát PISA gần nhất là vào năm 2018, điểm toán của học sinh Singapore tăng 6 điểm, điểm khoa học tăng 10 điểm, trong khi điểm đọc giảm 7 điểm.

Những kết quả này cho thấy rằng, trung bình học sinh Singapore có trình độ học vấn cao hơn các bạn đồng trang lứa khoảng gần 3-5 năm.

Báo cáo của OECD

Về toán học, một số hệ thống giáo dục ở khu vực Đông Á, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, vượt trội hơn tất cả hệ thống giáo dục của các quốc gia và nền kinh tế khác tham gia khảo sát.

Về môn đọc, xếp sau hệ thống giáo dục hàng đầu của Singapore, Ireland có thành tích tương đương với Estonia, Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời có chất lượng giáo dục tốt hơn 75 quốc gia và nền kinh tế khác.

Về môn khoa học, kết quả cao nhất thuộc cũng thuộc về các quốc gia Đông Á nêu trên cùng với Canada và Estonia.

Theo kết quả PISA 2022, trong 81 quốc gia và nền kinh tế tham gia cuộc khảo sát, Việt Nam đứng thứ 31 về môn toán, thứ 34 về môn đọc và thứ 37 về môn khoa học. Cụ thể, điểm môn toán là 469, được xếp vào nhóm Không có sự thay đổi. Trong khi đó, điểm môn đọc (462) và khoa học (472) nằm trong nhóm Dưới mức trung bình của OECD.

Sụt giảm tại các khu vực khác

Báo cáo của OECD chỉ rõ, trong khi khu vực châu Á thể hiện rất tốt trong cuộc khảo sát, nhiều khu vực khác trên thế giới lại có dấu hiệu đi xuống, dẫn tới "sự sụt giảm kết quả tổng thể chưa từng có". Thí dụ, học sinh của Đức, Iceland, Hà Lan, Na Uy và Ba Lan đều có điểm toán thấp hơn đáng kể.

Bản báo cáo cũng cho rằng, việc đóng cửa trường học vì đại dịch Covid-19 đã làm tổn hại đến các tiêu chuẩn giáo dục, nhưng cũng có những yếu tố khác đằng sau sự sự giảm.

Một số nước châu Á dẫn đầu Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) ảnh 1

Học sinh tại một trường trung học ở Hàn Quốc giữ khoảng cách trong lúc xếp hàng vào căng-tin trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Yonhap

Học sinh ở Phần Lan, Iceland và Thụy Điển - những quốc gia từng có kết quả khảo sát nổi bật, đã có điểm số thấp hơn trong nhiều năm.

“Điều này cho thấy các vấn đề lâu dài trong hệ thống giáo dục cũng là nguyên nhân khiến kết quả thấp hơn. Nguyên nhân không chỉ là Covid-19", OECD phân tích.

Theo báo cáo của OECD, nhiều quốc gia đã đầu tư vào giáo dục trong hơn 10 năm qua nhưng có lẽ họ chưa đầu tư hiệu quả hoặc đủ vào chất lượng giảng dạy.

Chuyên gia phân tích giáo dục Irene Hu cho rằng, yếu tố quan trọng là “mức độ hỗ trợ mà học sinh nhận được từ giáo viên và nhân viên nhà trường". Có cùng quan điểm, nhà phân tích giáo dục khác của OECD Eric Charbonnier nói: Một số hệ thống giáo dục chưa cung cấp đủ nguồn lực để hỗ trợ học sinh.

"Chúng ta cũng nhận thấy phụ huynh ít tham gia hơn vào sự tiến bộ của trẻ so với năm 2018”, ông Eric cho biết.

Lần đầu đánh giá mức độ hạnh phúc của học sinh

PISA 2022 đánh dấu lần đầu tiên OECD khảo sát mức độ hạnh phúc của các em học sinh thông qua 9 khía cạnh cuộc sống, trong đó có sự gắn kết với trường học, sự hài lòng về vật chất và văn hóa, sự cởi mở đối với sự đa dạng và hài lòng về mặt tâm lý.

Khảo sát cho thấy, học sinh ở những nơi có thành tích hàng đầu về môn toán như Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Macao (Trung Quốc)... rất sợ thất bại và thường hạn chế tham gia các hoạt động ngoại khóa như thể thao.

Ngược lại, học sinh ở các nước có điểm trung bình PISA thấp hơn như Tây Ban Nha và Peru lại "có mức độ lo lắng thấp hơn và tập trung nhiều hơn vào thể thao".