Kết quả xếp hạng được thu thập từ phản hồi của hơn 130 nghìn học giả và 75 nghìn nhà tuyển dụng trên toàn thế giới cùng với phân tích kết quả thu thập từ khoảng 96 triệu trích dẫn (trong giai đoạn 2015-2020) từ 14,7 triệu công bố khoa học (trong giai đoạn 2015-2019) sau khi đã loại bỏ tự trích dẫn. Có tổng số 11 tiêu chí xếp hạng gồm: Đánh giá của học giả, đánh giá của nhà tuyển dụng, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, số bài báo khoa học/giảng viên, tỷ lệ trích dẫn/bài báo khoa học, mạng lưới nghiên cứu quốc tế, tỷ lệ giảng viên quốc tế, tỷ lệ sinh viên quốc tế, tỷ lệ sinh viên đến trao đổi, tỷ lệ sinh viên đi trao đổi.
Trong bảng xếp hạng QS AUR 2022, Việt Nam góp mặt 11 cơ sở giáo dục đại học là: Trường Đại học Tôn Đức Thắng ở vị trí 142, Đại học Quốc gia Hà Nội vị trí 147, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vị trí 179, Trường đại học Duy Tân ở vị trí 210, Trường đại học Bách khoa Hà Nội trong nhóm 281-290, Đại học Huế trong nhóm 401-450, Trường đại học Cần Thơ và Đại học Đà Nẵng ở trong nhóm 501-550; Trường đại học Sư phạm Hà Nội và Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh ở trong nhóm 551-600; Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh ở trong nhóm 601-650.
Trong bảng xếp hạng QS Châu Á năm nay, Singapore tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với 2 cơ sở giáo dục đại học NUS (National University of Singapore - hạng 1 Châu Á; hạng 11 thế giới) và NTU (Nanyang Technological University Singapore - hạng 3 Châu Á; hạng 12 thế giới).
Ngoài ra, trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia có nhiều cơ sở giáo dục đại học trong top 50 nhất với 5 cơ sở giáo dục, trong đó, Đại học Malaya (Malaya University) có thứ hạng tốt nhất, thứ 8 Châu Á. Sau Malaysia là Thái Lan với 23 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng (trong đó, 2 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong top 50), Philippines có 15 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng và Indonesia có 34 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng.