Mặc dù bạo lực có thể xảy ra với bất cứ ai, song bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái lại là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến và lan rộng nhất.
UN Women cho biết, ước tính cứ ba phụ nữ thì có một người từng là nạn nhân của bạo hành thể xác hoặc tình dục. Những đối tượng dễ bị tổn thương này đang phải đối mặt bạo lực ở trong chính gia đình mình, nơi học tập, làm việc và cả trên không gian mạng. Nhiều trường hợp bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn chưa được báo cáo do sự xấu hổ, sợ bị kỳ thị của chính nạn nhân và sự im lặng của những người chung quanh.
Là nhân viên công tác xã hội và đã dành hơn 30 năm hỗ trợ những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực ở Sri Lanka, bà Anoja Makawita cho biết, nhiều người cho rằng bạo lực gia đình nên được giữ kín. Chính sự nín nhịn này càng khiến phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục hứng chịu nỗi đau. Theo bà Anoja Makawita, đây không chỉ là vấn đề của mỗi gia đình mà còn tác động đến cả cộng đồng.
Theo Giám đốc điều hành UN Women, các cuộc xung đột, khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu đang đổ thêm dầu vào lửa, làm tình trạng bạo lực gia tăng và khiến phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương hơn.
Dù may mắn hơn hàng nghìn phụ nữ đã thiệt mạng khi xung đột bùng phát ở Dải Gaza, song Nourhan, một nữ luật sư và nhà hoạt động xã hội 29 tuổi, đang phải trải qua tình cảnh mà cô gọi là một cơn ác mộng không bao giờ kết thúc. Cô chia sẻ, giấc ngủ là một thứ xa xỉ và cái chết luôn rình rập ở mọi ngóc ngách. Kể cả khi các cuộc xung đột đã qua, những vết thương cả về thể xác và tinh thần mà người phụ nữ phải hứng chịu vẫn khó lành.
Những hậu quả mà bạo lực gây ra đối với phụ nữ và trẻ em gái khó có thể đong đếm hết được. Ngoài những hậu quả đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, cuộc sống và sự nghiệp của phụ nữ, tình trạng này cũng gây ra vô số chi phí về y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, ngăn cản các nền kinh tế phát huy hết tiềm năng.
Theo Giám đốc điều hành UN Women, một số quốc gia ước tính bạo lực giới để lại hậu quả khoảng 3,7% GDP. Bạo lực đối với phụ nữ cũng cản trở nỗ lực đạt được một trong các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) là bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
Nhiều biện pháp đã được các quốc gia, tổ chức quốc tế áp dụng nhằm giải quyết tình trạng dai dẳng này. Theo UN Women, ít nhất 162 quốc gia đã thông qua luật về chống bạo lực gia đình. Kể từ năm 2018 đến nay, Quỹ Ủy thác của Liên hợp quốc nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ đã đầu tư 79 triệu USD vào 164 sáng kiến nhằm tập trung phòng ngừa bạo lực trên toàn cầu.
Năm 2022, UN Women đã huy động 167 triệu USD cho các chương trình ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ, trong đó hỗ trợ 44 chương trình nhằm thay đổi những chuẩn mực xã hội không còn phù hợp.
Nhận thức rõ được giải pháp cần triển khai để ngăn chặn bạo lực với phụ nữ song lại thiếu nguồn lực để thực hiện là điều mà Giám đốc điều hành UN Women trăn trở. Bất chấp những con số cho thấy tình trạng bạo lực đối với phụ nữ ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn, nguồn lực tài chính cho các nỗ lực giải quyết vấn đề này vẫn còn hạn chế, chỉ được cung cấp trong ngắn hạn hoặc không được phân bổ đồng đều. Trong năm 2022, chưa đến 0,2% nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) trên thế giới được dùng để ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ.
Với chủ đề của năm 2023 là “Đoàn kết! Đầu tư để ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, chiến dịch 16 ngày hành động chống bạo lực trên cơ sở giới bắt đầu từ ngày 25/11 và kết thúc vào Ngày nhân quyền quốc tế (10/12).
Chiến dịch này đồng hành sáng kiến UNiTE do Tổng Thư ký Liên hợp quốc phát động nhằm kêu gọi các quốc gia phân bổ ngân sách và khu vực tư nhân tăng đầu tư vào nỗ lực ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, cũng như cho các tổ chức đấu tranh vì quyền của phụ nữ. Mọi hành động tạo nên “lá chắn’’ chở che cho phụ nữ trước bạo lực đều là một bước tiến tới một thế giới an toàn, bình đẳng và thịnh vượng hơn.