Huy động nguồn lực để phát triển tốt nhất ngành công nghiệp quốc phòng
Chiều 8/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Phát biểu tại Tổ 2 (Thành phố Hồ Chí Minh), chia sẻ trên quan điểm của cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được xây dựng trên cơ sở một số luật, pháp lệnh.
Đại biểu khẳng định, trước diễn biến thế giới, các phân tích, dự báo tương lai, vấn đề bảo vệ chủ quyền Tổ quốc từ sớm, từ xa là tối quan trọng.
Đặc biệt, để nâng cao tính tự chủ, hạn chế thấp nhất phụ thuộc vũ khí nhập khẩu nước ngoài đòi hỏi phải phát triển tốt nhất ngành công nghiệp quốc phòng để phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ 2. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Trên cơ sở đó, dự án luật nêu 5 chính sách nổi bật, để thực hiện cần dựa trên cơ sở đáp ứng đủ ngân sách cho nhu cầu nghiên cứu, sản xuất, chế tạo vũ khí quân sự, phương tiện…
Bên cạnh đó, cần huy động nguồn lực, trí tuệ toàn dân cả trong và ngoài nước để phục vụ nghiên cứu, nâng cao sức mạnh nền công nghiệp quốc phòng.
Đại biểu nêu thực tế, qua khảo sát thực tiễn đặt ra vấn đề ngân sách đầu tư cho công nghiệp quốc phòng phải xứng đáng, xứng tầm trên cơ sở pháp luật. Do đó, trong dự án luật này cần thống nhất với các quy định có liên quan như sử dụng vốn nhà nước, đầu tư công…
Bày tỏ thống nhất với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án luật, đại biểu Phan Văn Xựng nhất trí với sự cần thiết xem xét cho ý kiến đối với dự án luật này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại biểu Phan Văn Xựng (Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ 2. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Khẳng định công nghiệp quốc phòng có vai trò quan trọng, tuy nhiên đại biểu cũng cho rằng, việc huy động các nguồn lực cho thực hiện nhiệm vụ động viên chưa tương xứng, còn lẻ tẻ, phân tán, một số cơ chế quản lý, quy định pháp luật còn thiếu thống nhất…
Đại biểu cũng nêu thực tế công tác động viên công nghiệp trên địa bàn thành phố, qua khảo sát có 52 doanh nghiệp, cơ sở đủ điều kiện động viên công nghiệp theo Quyết định 91 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Bộ Quốc phòng, Chính phủ chỉ giao 2 doanh nghiệp sản xuất mặt hàng theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng. Theo đại biểu, thực tế này cho thấy còn nhiều khó khăn về mặt hiệu quả khi thực hiện công tác này.
Cũng bày tỏ đồng tình với sự cần thiết về cả mặt lý luận và thực tiễn trong xây dựng dự luật, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh đây là dự án luật đặc thù, do vậy cần có những chính sách khác biệt để luật khi đi vào thực chất sẽ xây dựng được một nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, hiện đại, với giá trị con người Việt Nam.
“Chúng ta cần tập trung đầu tư vì đây là lĩnh vực chuyên biệt. Nếu làm tốt, đây sẽ là sức mạnh quốc gia, nên cần có chính sách đúng, phù hợp, đầu tư có trọng tâm, nghiên cứu để có sản phẩm tiếp cận thị trường thế giới”, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng nêu quan điểm.
Phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng
Cân nhắc yếu tố lưỡng dụng trong hoạt động công nghiệp quốc phòng
Góp ý cụ thể một số nội dung để hoàn thiện dự án luật, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, về mô hình tổ chức, trong đó có nhấn mạnh tổ hợp công nghiệp quốc phòng là trung tâm, đủ sức xây dựng nền công nghiệp quốc phòng. Do đó, cần nghiên cứu để phát huy nội dung này.
Đối với ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn của quốc phòng, cũng cần nghiên cứu những ưu tiên để gắn với đặc thù của nền quốc phòng.
Ngoài ra, vấn đề lưỡng dụng cũng đã được quy định trong dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đại biểu cho rằng, cần tính toán sao cho phát huy tính lưỡng dụng trong kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ 2. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Cũng góp ý về yếu tố lưỡng dụng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tuy rằng các doanh nghiệp tham gia động viên công nghiệp là đặc biệt, nhưng cũng đặt ra vấn đề có sản phẩm nghiên cứu phục vụ quốc phòng sau này đưa ra thương mại hóa, lúc ấy các ưu đãi nên xử lý như thế nào?
Do đó, đại biểu cho rằng cũng nên tính toán quy định để tránh ranh giới không rõ ràng giữa ưu đãi đối với yêu cầu phục vụ quốc phòng, an ninh và khi thương mại hóa các sản phẩm này.