Chú trọng phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước

Những năm qua, công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước được tỉnh Hà Nam quan tâm, chú trọng, số lượng và chất lượng đảng viên mới kết nạp tăng liên tục qua các năm. Thời gian tới, Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và xây dựng kế hoạch tạo nguồn, lựa chọn, xem xét, kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng.
0:00 / 0:00
0:00
Đảng bộ Công ty Điện lực Hà Nam tổ chức kết nạp đảng viên mới. (Ảnh NGUYỄN PHÚC)
Đảng bộ Công ty Điện lực Hà Nam tổ chức kết nạp đảng viên mới. (Ảnh NGUYỄN PHÚC)

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh kết nạp được 141 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong đó công ty cổ phần 70 đảng viên, doanh nghiệp tư nhân 20 đảng viên, công ty trách nhiệm hữu hạn 28 đảng viên, doanh nghiệp có vốn nước ngoài 14 đảng viên, loại hình doanh nghiệp khác 9 đảng viên; chiếm tỷ lệ 6,04% với tổng số đảng viên mới kết nạp. Đại đa số các đảng viên đều phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên. Về cơ cấu, chất lượng đối với đảng viên được kết nạp trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước đều là những nhân tố tích cực trong lao động sản xuất.

Tại Hà Nam các hiệp hội, hội doanh nghiệp trở thành cầu nối giúp Đảng ủy khối doanh nghiệp tiếp cận, vận động thành công chủ doanh nghiệp vào Đảng. Nhiều chủ doanh nghiệp tuổi cao vẫn quyết tâm phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ông Nguyễn Thái Lan, Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hai Pha Việt Nam (Hà Nam) chia sẻ: Hai vợ chồng tôi cùng vào Đảng để làm gương cho nhân viên và các con.

Tôi mong muốn sẽ kết nạp thêm nhiều đảng viên trong công ty, đào tạo lớp kế cận là cán bộ khung có đủ tâm và tài, tinh thần cầu tiến để đóng góp xây dựng chi bộ vững mạnh, công ty phát triển bền vững. Một số chủ doanh nghiệp cho rằng, có tổ chức đảng là điểm cộng với đối tác bởi độ tin cậy cao về tuân thủ pháp luật, các chuẩn mực đạo đức kinh doanh. Vị thế, uy tín của công ty được nâng tầm, việc tham gia đấu thầu, hợp tác với đối tác cũng có phần thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, số lượng đảng viên còn ít so với lực lượng lao động hiện có. Hầu hết các doanh nghiệp ngoài nhà nước trong tỉnh Hà Nam chưa có tổ chức đảng; nhiều nơi không có tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên nên gây khó khăn cho quá trình tạo nguồn, kết nạp đảng viên. Việc tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên, liên tục, chưa tạo sự đồng thuận cao giữa người quản lý, chủ doanh nghiệp, công nhân lao động.

Một bộ phận chủ doanh nghiệp tư nhân còn băn khoăn về quyền lợi, trách nhiệm khi có tổ chức đảng trong doanh nghiệp, không ít công nhân lao động có tâm lý e ngại, không muốn vào Đảng. Một số chủ doanh nghiệp do yêu cầu và áp lực về sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, doanh thu nên chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát triển đảng viên. Công nhân, người lao động trong doanh nghiệp do áp lực về thời gian, năng suất, định mức lao động, thu nhập nên chưa quan tâm, chú trọng phấn đấu trở thành đảng viên, dẫn đến số lượng kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp chưa tương xứng với nguồn kết nạp.

Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Ngọc Oanh, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam cho rằng, từ thực tế tại các doanh nghiệp hiện nay, việc phát triển đảng viên là công nhân lao động vẫn luôn là vấn đề khó và đạt thấp. Bởi lực lượng công nhân luôn biến động, mặc dù luôn có động cơ phấn đấu tốt, nhưng nhiều khi doanh nghiệp làm ăn sa sút hoặc có cơ hội thu nhập tốt hơn lại chuyển việc, từ đó ảnh hưởng đến nguồn bồi dưỡng của cấp ủy.

Trong khi đó vai trò, trách nhiệm của các cấp công đoàn ở một số nơi chưa phát huy triệt để. Theo số liệu từ Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam, toàn tỉnh hiện có 557 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phạm Thị Thu Giang cho biết: Việc phát triển đảng viên trong công nhân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đoàn viên công đoàn được kết nạp Đảng so với số được giới thiệu cho tổ chức đảng còn thấp. Phần lớn chủ doanh nghiệp chưa quan tâm phát triển đảng viên, thành lập chi bộ, mới chỉ coi trọng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, doanh thu.

Đa số công nhân, người lao động quan tâm đến việc làm, có thu nhập trang trải cuộc sống, ngại tham gia các hoạt động, dành thời gian để tăng ca, làm thêm. Một số quan niệm vào Đảng là vấn đề lớn lao, xa vời, phấn đấu rất khó khăn, lo ngại bị gò bó trong khuôn khổ tổ chức hoặc họp hành, học nghị quyết, kiểm điểm... ảnh hưởng đến thời gian làm việc.

Với mục tiêu từng bước nâng cao cả số lượng và chất lượng công tác kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay, nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đồng chí Trần Thanh Sơn, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Nam cho biết, một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước ở tỉnh Hà Nam trong thời gian tới: nâng cao chất lượng của cấp ủy đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho các cấp ủy viên, lãnh đạo các đoàn thể.

Đối với các doanh nghiệp có tổ chức đảng, củng cố năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và tăng cường phát triển đảng viên. Đối với doanh nghiệp có đảng viên, nhưng chưa thành lập chi bộ, thì chuyển đảng viên đó về sinh hoạt tại tổ chức đảng phù hợp và giao cho đảng viên đó giúp đỡ, phát triển đảng viên là công nhân ở cùng doanh nghiệp, khi có đủ điều kiện thì thành lập chi bộ. Nếu chưa có đảng viên, giao cho Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh và các huyện, thị, thành ủy phân công cấp ủy viên, đảng viên có kinh nghiệm phối hợp các đoàn thể trong doanh nghiệp phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên; khi có đủ điều kiện thì thành lập tổ chức đảng.

Đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp phát triển tổ chức đảng viên. Đối với doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp, doanh nghiệp khác, giao cho các huyện ủy, thị ủy, thành ủy chịu trách nhiệm phát triển tổ chức đảng, đảng viên.