Khẩn trương huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp cho hệ thống điện quốc gia

NDO - Hiện nay hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền bắc đang trong cao điểm mùa khô, vận hành trong tình trạng hết sức khó khăn, do phụ tải hệ thống tăng cao, lưu lượng nước về của các nhà máy thủy điện tiếp tục kém, tình hình nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than có nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải tăng cường huy động các nguồn điện sẵn có để bổ sung cho hệ thống điện quốc gia.
Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải tăng cường huy động các nguồn điện sẵn có để bổ sung cho hệ thống điện quốc gia.

Do đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)phải tăng cường huy động các nguồn điện sẵn có để bổ sung cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp nhằm tăng công suất cho hệ thống điện.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, theo thẩm quyền xử lý các vấn đề liên quan đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, Bộ Công thương đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xem xét thỏa thuận giá tạm thời cho các nhà máy này, sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới (đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định).

Nhu cầu bức thiết

Chiều 26/5, Bộ Công thương tổ chức họp trao đổi thông tin về tình hình cung ứng điện, việc đàm phán giá điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và huy động nguồn điện với sự chủ trì của Thứ trưởng Công thương Đặng Hoàng An.

Thông tin về tình hình cung ứng điện, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết chúng ta đang ở giai đoạn cuối mùa khô nên nhu cầu điện tăng, mực nước các hồ thủy điện về ở mức thấp, công suất tại các nhà máy thủy điện giảm. Phụ tải 4 tháng đầu năm tăng nhẹ, nhưng đến tháng 5 sản lượng trung bình ngày theo kế hoạch là 808 triệu kW giờ/ngày. Song kế hoạch thực tế tăng tới 818 triệu kW giờ/ngày, tăng tới 8% và ghi nhận kỷ lục khi có thời điểm ghi nhận lên tới 923 triệu kW giờ, công suất lớn nhất hệ thống điện trên 44.660, tăng 9%. Trong khi đó, có một số khó khăn về nguồn khi có nhà máy gặp sự cố.

Chúng ta đang ở giai đoạn cuối mùa khô nên nhu cầu điện tăng, mực nước các hồ thủy điện về ở mức thấp, công suất tại các nhà máy thủy điện giảm. Phụ tải 4 tháng đầu năm tăng nhẹ, nhưng đến tháng 5 sản lượng trung bình ngày theo kế hoạch là 808 triệu kW giờ/ngày. Song kế hoạch thực tế tăng tới 818 triệu kW giờ/ngày, tăng tới 8% và ghi nhận kỷ lục khi có thời điểm ghi nhận lên tới 923 triệu kW giờ, công suất lớn nhất hệ thống điện trên 44.660, tăng 9%.

Trong bối cảnh đó, Thường trực Chính phủ đã họp và chỉ đạo nhiều giải pháp. Trọng tâm là việc bảo đảm độ tin cậy cung ứng điện, tổ máy có sự cố thì phải tìm cách khắc phục nhanh nhất (trừ các máy của Nghi Sơn, Vũng Áng, Phả Lại, Cẩm Phả đang sự cố với hơn 2.000 MW), thì các tổ máy đang cải thiện và nỗ lực. Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng đã vận hành, một tổ máy đầy tải. Thêm nữa là việc bảo đảm nguồn cung cấp than, dầu, khí, không để tình trạng có nhà máy mà lại thiếu nhiên liệu.

Thủ tướng giao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc tất cả các nguồn than trong nước phải đáp ứng đủ nhu cầu. Đến nay huy động 900 triệu kW giờ điện chạy dầu. Bộ cũng yêu cầu EVN điều tiết hồ chứa thủy điện một cách hợp lý.

Với các giải pháp thì sẽ tiếp tục duy trì cung ứng điện. Sắp tới, phụ tải cao hơn kế hoạch phê duyệt, cho nên dự báo miền bắc nhiệt độ vẫn ở mùa khô cao điểm, miền nam bước vào mùa mưa nên phụ tải không tăng cao; song hệ thống điện miền bắc vẫn còn cao, miền trung và miền nam đã bình ổn phụ tải.

“Hệ thống điện có tổng công suất khoảng 80.000 MW, trong khi phụ tải cao nhất là 44.000MW. Nếu bảo đảm tổ máy không sự cố, vận hành tin cậy, nhiên liệu đủ và điều tiết các hồ, tiết kiệm điện lên mức tốt thì sẽ vượt qua những ngày khó khăn trong cung ứng điện” - ông Đặng Hoàng An nói.

Bảo đảm lợi ích hài hòa

Về các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, Bộ Công thương cho biết, tính đến ngày 26/5, có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155MW (chiếm tỷ lệ 67%) đã nộp hồ sơ đến EVN. Trong đó, 42 nhà máy với tổng công suất 2.258,9MW đã đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 36 nhà máy với tổng công suất 2.063,7MW đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá để làm cơ sở huy động; hiện vẫn còn 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỷ lệ khoảng 33%).

Bên cạnh đó, có nhiều chủ đầu tư vi phạm các các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng… nên còn chưa đáp ứng các thủ tục pháp lý, chưa thể đàm phán giá với EVN. Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3/2023 nhưng sau 2 tháng vẫn không bổ sung được. Đây là lúc các chủ đầu tư cần gấp rút hoàn chỉnh thủ tục và nộp hồ sơ để việc thỏa thuận giá điện không bị kéo dài, rút ngắn thời gian đưa các dự án này vào vận hành, từng bước giải quyết bài toán kinh doanh của doanh nghiệp.

Đến ngày 26/5, có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155MW (chiếm tỷ lệ 67%) đã nộp hồ sơ đến EVN. Trong đó, 42 nhà máy với tổng công suất 2.258,9MW đã đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 36 nhà máy với tổng công suất 2.063,7MW đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá để làm cơ sở huy động; hiện vẫn còn 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỷ lệ khoảng 33%).

Theo Bộ Công thương, suất đầu tư dự án điện mặt trời nối lưới giai đoạn 2018-2021 giảm từ 1.267 USD/kW xuống còn 857 USD/kW (tương đương 11%/năm), suất đầu tư dự án điện gió trên bờ nối lưới giảm từ 1.636 USD/kW xuống còn 1.325 USD/kW (tương đương 6,3%/năm) dẫn đến kết quả tính toán khung giá có sự thay đổi so với giá FIT đã được ban hành.

Thí dụ, đối với các dự án mặt trời mặt đất, giá FIT 2 (ban hành năm 2020 là 7,09 cent/kW giờ) đã giảm 8%/năm so với giá FIT 1 (ban hành năm 2017); khung giá phát điện (ban hành tháng 1/2023) giảm khoảng 7,3%/năm so giá FIT 2 (ban hành năm 2020).

Có thể thấy, trong thời gian qua các dự án năng lượng tái tạo đã và đang nhận được nhiều cơ chế ưu đãi. Chính sách ưu đãi về giá đã được công bố rõ ràng về lộ trình, mức giá, thời gian ưu đãi, trong quãng thời gian đó, nhiều dự án quy mô rất lớn ở các địa phương dù khó khăn vẫn kịp tiến độ đưa vào vận hành để hưởng cơ chế giá FIT.

Theo xu thế không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới giá, cơ chế FIT đều có xu hướng giảm dần, với cơ chế giá đó, không phải dự án nào cũng sẽ ghi nhận được mức sinh lời hiệu quả, do đó các nhà đầu tư cần nỗ lực trong việc tối ưu hóa các công tác quản lý, quản trị, điều hành… để tăng hiệu quả sinh lời với khung giá mới.

Những dự án có năng lực phát triển, vận hành dự án cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ sẽ có lợi thế hơn trong giai đoạn này.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, 3 quan điểm lớn về xử lý vướng mắc năng lượng tái tạo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: việc giải quyết phải đúng các quy định của pháp luật; giải quyết trên tinh thần “ lợi ích hài hòa rủi ro chia sẻ”; giá điện và chi phí truyền tải hợp lý, nếu cao quá thì lợi ích của xã hội bị ảnh hưởng.

Ông An cũng thông tin thêm: “Đã có 16 dự án hòa lưới để thí nghiệm, 5 dự án đã đủ hồ sơ (303MW) và đủ điều kiện phát điện thương mại nên tôi tin trong vài ngày tới hoàn tất thủ tục thì sẽ đưa vào vận hành chính thức được. Còn lại các dự án đang tiến hành các thủ tục, kiểm tra nghiệm thu, giấy phép hoạt động điện lực. Trường hợp các dự án có vướng mắc, cần có ý kiến của Bộ Công thương thì các chủ đầu tư gửi văn bản tới Bộ; khẳng định trách nhiệm của Bộ với dự án đã hoàn thiện sẽ thỏa thuận đấu nối.

Đẩy nhanh việc đàm phán giá bán điện

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới, sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định.

Bộ cũng đã chỉ đạo EVN phối hợp với các chủ đầu tư hoàn thiện hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến EVN như: thỏa thuận đấu nối (nếu đã hết hạn) trước ngày 5/6; hoàn thành thực hiện các thử nghiệm theo quy định trước ngày 10/6 đối với các nhà máy điện đã đăng ký thử nghiệm, xem xét kết quả thử nghiệm của các nhà máy điện, bảo đảm phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và các quy định có liên quan.

Rà soát quy trình thử nghiệm, công nhận Ngày vận hành thương mại (COD) của nhà máy điện mặt trời, điện gió, bảo đảm chặt chẽ, đơn giản hoá và đúng quy định; khẩn trương tối đa xem xét các hồ sơ chủ đầu tư nộp, rà soát các yêu cầu đối với chủ đầu tư về thành phần hồ sơ đàm phán giá điện, bảo đảm đơn giản hoá thủ tục nhưng chặt chẽ, hợp lý và đúng quy định.

Đến nay, Bộ Công thương đã phê duyệt giá tạm thời cho 19 nhà đầu tư đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán với tổng công suất 1.346,82 MW và hiện có thêm 17 nhà máy điện chuyển tiếp đang được EVN hoàn thiện thủ tục để trình Bộ Công thương phê duyệt trong tháng 5 năm 2023.

Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy nỗ lực đàm phán của các chủ đầu tư và EVN trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên. Tình hình thực hiện thủ tục của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp được EVN cập nhật trên trang thông tin điện tử www.evn.com.vn.

Đối với các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp còn vướng mắc thủ tục pháp lý, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị, tổ chức trực thuộc cũng như đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác thẩm định thiết kế, thiết kế điều chỉnh (nếu có) và kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền; đồng thời, yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hướng dẫn các chủ đầu tư vướng mắc về quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Hoàn thiện các thủ tục pháp lý

Trong quá trình triển khai dự án, quan điểm của Bộ Công thương là, các chủ đầu tư phải chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, điện lực, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy…

Theo quy định tại Luật Điện lực, các dự án điện trước khi được đưa vào khai thác cần được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, theo thống kê, tính đến 23/5/2023 mới chỉ có 18/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp (chiếm khoảng 18,8%) đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Đối với 19 nhà máy điện đã thống nhất giá tạm thời thì đã có 13 nhà máy điện đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong đó 12 nhà máy điện được cấp với toàn bộ công suất theo quy hoạch, 1 nhà máy điện gió mới được cấp giấy phép một phần. Tuy vậy, có đến 12 dự án chuyển tiếp đã nộp hồ sơ đàm phán giá nhưng chưa nộp hồ sơ cấp phép (gồm 11 dự án điện gió, 1 dự án điện mặt trời).

Từ số liệu về giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp nêu trên, có thể thấy việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cấp giấy phép hoạt động điện lực còn chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức, dẫn tới việc chậm trễ trong khâu chuẩn bị và nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền.

Việc thỏa thuận giá tạm và lập hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động điện lực trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công thương cần được các chủ đầu tư thực hiện song song, khẩn trương tối đa, thực hiện đúng hướng dẫn của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các dự án trước pháp luật. Điều này đã được Bộ Công thương thông tin và có hướng dẫn.

Cụ thể, theo quy định tại các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, các dự án phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về quy hoạch phát triển điện lực; thiết kế và xây dựng các hạng mục công trình theo thiết kế được phê duyệt; kiểm tra, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định; đáp ứng điều kiện về nhân lực đối với đội ngũ quản lý kỹ thuật, vận hành… Trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đối với các nhà máy điện năng lượng tái tạo đã được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 21/2020/TT-BCT ngày 9/9/2020 của Bộ Công thương.

Bộ Công thương khẳng định, Chính phủ cùng các bộ, ngành luôn chia sẻ và đồng hành cùng các nhà đầu tư để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Để nhanh chóng đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, tránh lãng phí tài nguyên và kinh phí đầu tư của chính các nhà đầu tư, đồng thời bổ sung nguồn điện sạch cho hệ thống điện quốc gia, cần sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp trên tinh thần thượng tôn pháp luật.