Ngày 18/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương, Cục trưởng Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa cho biết: Trong giai đoạn nắng nóng và mùa khô hằng năm, nước ta phải đối mặt với khó khăn trong việc cung ứng điện vì hệ thống còn nhiều nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo, phụ thuộc vào thời tiết.
Hiện nay, các hồ thủy điện đều trong tình trạng mực nước khai thác giảm sâu, thậm chí một số hồ đã về gần mực nước “chết”, gây khó khăn cho việc vận hành và cung ứng điện.
Dự đoán trước tình hình, ngày từ đầu năm, Bộ Công thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trong vận hành, cung ứng nguyên liệu than, khí cho phát điện.
Trong tháng 5, Bộ Công thương đã làm việc, chỉ đạo các tập đoàn EVN, TKV... nỗ lực hết sức trong việc cung cấp đủ nguyên liệu cho phát điện theo kế hoạch; khẩn trương đàm phán, huy động thêm các nguồn phát điện bao gồm cả điện năng lượng tái tạo; khắc phục sự cố để các tổ máy nhanh chóng phát điện trở lại.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đẩy mạnh triển khai các phong trào, chương trình tiết kiệm điện, coi đây là giải pháp quan trọng để giảm căng thẳng cho phát điện.
Riêng về việc huy động nguồn từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo, Bộ Công thương đã thống nhất về giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió/ điện mặt trời (đã được EVN và các chủ đầu tư thống nhất trước đó). 8 nhà máy này sắp tới khi đáp ứng đủ điều kiện sẽ được tham gia phát điện lên lưới.
Tại cuộc họp báo, Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết, nguồn cung xăng dầu trong nước và thế giới hiện vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, trong đó có hoạt động thiếu ổn định của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi sát tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bảo đảm nguồn cung phục vụ sản xuất, tiêu dùng tại thị trường trong nước; theo dõi sát thị trường xăng dầu thế giới và tình hình sản xuất trong nước; phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, khuyến khích doanh nghiệp duy trì nguồn cung.
Bộ Công thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm tổng nguồn của năm 2023 đã được phân giao, bảo đảm cung cấp liên tục xăng dầu cho thị trường; chủ động nguồn hàng từ trong nước và nhập khẩu, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh và duy trì hoạt động của các cửa hàng bán lẻ; chia sẻ nguồn cung và lợi nhuận trong hệ thống một cách hợp lý;...
Bộ Công thương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp cận được nguồn vốn, giảm khó khăn và khuyến khích doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung xăng dầu; kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các nhà máy lọc dầu ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Thông tin thêm về hoạt động của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Phó vụ trưởng Dầu, Khí và Than Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Nghi Sơn đang cung ứng khoảng 35-40% nguồn cung xăng dầu trong nước. 4 tháng đầu năm, nhà máy đã sản xuất 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại.
Hiện, tình hình hoạt động của nhà máy vẫn ổn định. Nhà máy đã triển khai công tác để bảo đảm sản xuất cho tháng 6, quý III cũng như quý IV tới, theo đúng kế hoạch đã ký với Bộ Công thương.
Về khó khăn dòng tiền của Nghi Sơn, Bộ Công thương đã có văn bản gửi nhà máy Nghi Sơn và các bên góp vốn, trong đó khẳng định việc tái cấu trúc tài chính, bộ máy cũng như vận hành nhà máy an toàn, ổn định là vấn đề nội tại của doanh nghiệp cùng các bên tham gia góp vốn trên cơ sở các cam kết, tài liệu của dự án và pháp luật của Việt Nam.
Bộ Công thương khẳng định Công ty liên doanh Lọc hóa Dầu Nghi Sơn cần chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nhà máy hoạt động an toàn, hiệu quả, đủ sản lượng như đã ký kết với Bộ Công thương. Những vấn đề về thẩm quyền của PVN, các bên cần báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để có chỉ đạo cụ thể.