Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện Việt Nam

NDO - Ngày 25/11, tại Hà Nội, Hội Điện lực Việt Nam (VEEA) phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội nghị Khoa học và Công nghệ điện lực toàn quốc năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia” với mục đích tạo ra một diễn đàn trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, các nghiên cứu lý thuyết, xu hướng công nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Hội nghị đã thu hút 100 bài viết cùng sự tham gia của các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật trong và ngoài ngành điện, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực điện lực.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch VEEA Mai Quốc Hội cho biết, hội nghị là một hoạt động thường xuyên, được tổ chức 3 năm một lần. Đến nay, đã và đang hình thành hình ảnh của một sự kiện khoa học công nghệ, một sự kiện mang tính học thuật có uy tín trong lĩnh vực năng lượng, điện lực.

Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện Việt Nam ảnh 1

Phó Chủ tịch VEEA Mai Quốc Hội phát biểu tại hội nghị.

Rất nhiều chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, các trường đại học hàng đầu Việt Nam như: Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, các viện nghiên cứu đã đăng ký tham gia thảo luận về các vấn đề liên quan đến vận hành các công trình nguồn, lưới điện, các công trình bù công suất phản kháng nhằm nâng cao độ tin cậy vận hành lưới điện, bảo đảm cung ứng điện cho phụ tải và khả năng giải tỏa các nguồn điện, xuất nhập khẩu điện; đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp về tăng cường khung pháp lý và các giải pháp về vận hành ổn định nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), tính toán giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời bảo đảm điều kiện về ổn định, tính toán giới hạn thâm nhập của điện mặt trời theo từng giai đoạn,…

Theo Phó Chủ tịch Mai Quốc Hội, nhu cầu về năng lượng nói chung, điện năng nói riêng ngày càng tăng đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho ngành điện, phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong bối cảnh vừa phải bảo đảm điện năng cho phát triển kinh tế-xã hội, vừa phải bảo đảm các yêu cầu về dịch chuyển năng như cam kết của Việt Nam tại COP26 “Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho ngành điện là phải nâng cao, tối ưu hóa hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia.

Để giải quyết được yêu cầu này, song song với các biện pháp đang được thực hiện, thì việc đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực là một xu hướng, yêu cầu tất yếu. Do đó, các vấn đề được đưa ra thảo luận đều rất thực tiễn, rất cần thiết, và có thể nói là rất “nóng”, mang tính thời sự, như các vấn đề ở tầm vĩ mô: Quy hoạch Điện VIII, các vấn đề của ngành điện trong tình hình cam kết của Việt Nam với thế giới trong COP 26, điện gió, điện mặt trời, vai trò của điện than, hay các vấn đề về tổn thất,…

Các vấn đề thời sự được tiếp cận, giải quyết một cách khoa học, bài bản, bằng những công cụ, phương tiện nghiên cứu hiện đại, cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất trong bối cảnh 4.0: Trí tuệ nhân tạo (AI-Artificial Intelligence), dữ liệu lớn (Big Data), máy học (Machine Learning), Internet vạn vật (IoT - Internet of Things),…

Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện Việt Nam ảnh 2

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành phát biểu tại hội nghị.

Với đặc thù là một ngành công nghiệp hoạt động mang tính hệ thống, có trình độ công nghệ cao và hiện đại, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành khẳng định, ngành điện nói chung và EVN nói riêng đã và đang nỗ lực lao động, học tập, tích lũy kinh nghiệm, nghiên cứu ứng dụng khoa học, tiếp cận và làm chủ kỹ thuật, công nghệ hiện đại để quản lý và khai thác hiệu quả hệ thống điện Việt Nam. Đến nay, tổng công suất đặt nguồn điện trong toàn hệ thống điện Việt Nam là 78.300MW, trong đó EVN và các đơn vị trong EVN đang quản lý vận hành 29.800MW, chiếm tỷ lệ 38% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tới 26,5% công suất trong toàn hệ thống. Số lượng khách hàng sử dụng điện trên cả nước cũng đã lên tới hơn 30 triệu khách hàng.

Tuy nhiên, thông qua hoạt động khoa học công nghệ, EVN đã chỉ huy vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả hệ thống điện Việt Nam, bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia. Ông Dương Quang Thành cũng cho biết, đối với công tác chuyển đổi số, EVN đã sớm tiếp cận và triển khai các kế hoạch, giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của các công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.

EVN đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng và phê duyệt Đề án Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam với mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022 và trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025. Tập đoàn cũng đã đưa ra Chủ đề năm 2021 là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” để quyết tâm chỉ đạo và thực hiện thành công Đề án. Đến nay, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của toàn Tập đoàn đều đã đạt được những thành tựu hết sức tích cực.

Trong lĩnh vực sản xuất, Tập đoàn đã hoàn thành cập nhật 97,3% dữ liệu thiết bị điện đang vận hành tại các nhà máy, đường dây truyền tải từ 110kV đến 500kV. Về công tác sửa chữa bảo dưỡng khai thác hiệu quả thiết bị, Tập đoàn đã triển khai áp dụng sửa chữa theo phương pháp tiến tiến như bảo dưỡng theo độ tin cậy (RCM) đối với các nhà máy và bảo dưỡng theo điều kiện (CBM) đối với lưới điện. Đặc biệt, đã thử nghiệm thành công giải pháp áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích hình ảnh, nhằm nâng cao độ chính xác của hệ thống phục vụ công tác giám sát vận hành, phát hiện tình trạng bất thường của các đường dây truyền tải.

Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện Việt Nam ảnh 3

Một gian trưng bày tại hội nghị.

Đến nay, 100% Trạm biến áp 110kV là trạm không người trực và đã được điều khiển xa từ các Trung tâm điều khiển tại 63 tỉnh, thành phố và 88% Trạm biến áp 220kV đã được điều khiển từ xa (tăng 18 trạm so năm 2021). Lưới điện tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được tổ chức Singapore Power xếp thứ 2 về chỉ số lưới điện thông minh ở khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore.

Các dịch vụ điện trực tuyến đã được Tập đoàn chỉ đạo triển khai mạnh mẽ và đã đạt kết quả rất khả quan. Trong đó 99,67% các yêu cầu của khách hàng được tiếp nhận qua các kênh tổng đài và các kênh trực tuyến; 97,90% các giao dịch được thực hiện theo phương thức điện tử; tỷ lệ tiền điện được thanh toán theo các phương thức không sử dụng tiền mặt đạt 97,32%; tỷ lệ khách hàng thanh toán không sử dụng tiền mặt là 90,72%,...

Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TSKH Phan Xuân Dũng mong muốn VEEA tăng cường hơn nữa hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, tham gia trực tiếp vào các chương trình trọng điểm quốc gia của các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế như: World Bank, GIZ, USAID,… trong hoạt động nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng điện, ứng dụng các công nghệ mới nhất, hiện đại nhất như: trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine Learning), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing),… trong việc nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện tại Việt Nam.

Đồng thời, chủ động, tích cực hợp tác, phối hợp với Liên hiệp Hội trong các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động nghiên cứu, khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, điện lực. Với vai trò là cầu nối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước khác, Liên hiệp Hội sẽ luôn quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ VEEA tiếp tục phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp phát triển ngành Điện lực Việt Nam.