Kiến nghị các giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

NDO - Trước tình hình kinh tế-xã hội đang gặp nhiều khó khăn, tại phiên thảo luận tổ sáng 25/5, các đại biểu Quốc hội đã cùng “mổ xẻ” nguyên nhân, đồng thời kiến nghị Chính phủ có các giải pháp đột phá, chỉ đạo điều hành quyết liệt, mạnh mẽ để giúp nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp phục hồi, phát triển, nhất là sau tác động của đại dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 4 sáng 25/5 về tình hình kinh tế-xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 4 sáng 25/5 về tình hình kinh tế-xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. (Ảnh: DUY LINH)

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn

Phát biểu thảo luận tại Tổ 4, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) nêu rõ, trong năm 2022 và đầu năm 2023, theo các đánh giá, phân tích của các cơ quan hữu quan và các chuyên gia, hiện nay tình hình kinh tế-xã hội nước ta đang khá khó khăn. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước hiện tăng trưởng GDP chỉ ở mức 0,7%, trong khi tổng của cả nước chỉ vào khoảng 3,32%.

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế như chính sách tiền tệ, tài khóa nhiều năm nay đã “gồng” hết sức, như chính sách tiền tệ đã cố gắng hạ mức lãi suất như thời gian qua. Song qua tiếp xúc cử tri, đại biểu nhận thấy doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Kiến nghị các giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Hải Nam - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Theo đại biểu Nguyễn Hải Nam, nguyên nhân do một mặt cơ quan quản lý cố gắng chỉ đạo hạ lãi suất, nhưng với mức đó để doanh nghiệp vay được vốn vẫn rất khó. Mặt khác, đó là vướng mắc về thủ tục vay vốn, trong khi có ngân hàng thương mại lại yêu cầu nhiều khoản phí khác hay các quy định nhỏ khác, như “gợi ý” mua thêm bảo hiểm.

“Có thể hôm trước nhân viên ngân hàng đã nhất trí giải ngân, nhưng hôm sau lại gợi ý doanh nghiệp mua thêm bảo hiểm, nếu doanh nghiệp không đồng ý thì gây khó khăn”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu thực trạng.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hải Nam cũng chỉ rõ các vấn đề tồn tại liên quan nợ xấu; trái phiếu doanh nghiệp khó khăn, rủi ro cao, đã có tình trạng gây mất vốn của người dân dẫn đến gây bất ổn cho dòng vốn và kinh tế-xã hội; cùng với đó là tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đạt khối lượng Quốc hội phê duyệt cũng như tiến độ.

Trước tình hình đó, theo đại biểu, việc Chính phủ trình chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) là hết sức cấp thiết và đúng đắn để giúp doanh nghiệp phục hồi kịp thời.

Tuy nhiên, cần ổn định chính sách vì theo đại biểu, vì nếu đã giảm thuế 6 tháng 2022 nhưng lại dừng trong 6 tháng đầu năm 2023 rồi lại áp dụng tiếp cho 6 tháng cuối 2023 sẽ dẫn đến quá trình triển khai khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong khi bản thân cán bộ thuế cũng có thể gặp khó khăn.

Kiến nghị các giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ảnh 2

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu thảo luận tại Tổ 1. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Bày tỏ đồng tình với chính sách giảm 2% thuế GTGT, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nêu rõ trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế đang suy giảm, việc giảm thuế sẽ khuyến khích tăng cầu, trước hết là tăng cầu tiêu dùng, mỗi một người dân đều được hưởng lợi, sau đó tăng được số lượng hàng hóa tiêu thụ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển.

“Khi doanh nghiệp phục hồi, phát triển sẽ tạo ra nguồn thu để bù đắp cho phần ngân sách thiếu hụt”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Cho rằng việc áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong thời gian 6 tháng là hơi ngắn khi mà mốc tháng 12 là thời điểm quyết toán ngân sách năm, đại biểu đề nghị trong dự thảo Nghị quyết nên có đoạn mở là “có thể tiếp tục kéo dài”.

Đại biểu lấy dẫn chứng chính sách về giãn, hoãn, miễn các khoản thu ngân sách như thuế, tiền thuê đất thực hiện trong năm 2022, do không có đoạn mở nên hết năm 2022 phải dừng lại, nhưng đến tháng 6/2023 lại đề nghị tiếp tục thực hiện, như vậy sẽ bị ngắt quãng, không còn hiệu quả.

“Tôi cho rằng nên để mở, tùy theo tình hình đến giai đoạn đó Chính phủ có thể sẽ đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục kéo dài”, đại biểu đề xuất.

Kiến nghị nhiều giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội

Kiến nghị các giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ảnh 3

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: DUY LINH)

Góp ý vào báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, báo cáo đã nhận diện đúng thực trạng kinh tế-xã hội hiện nay. Đánh giá cao Chính phủ đã có Nghị quyết 128 về thích ứng với đại dịch, giúp tăng trưởng tích cực trong năm 2022, đại biểu ghi nhận nỗ lực, cố gắng của Chính phủ nhưng cho rằng đây một phần cũng do các chỉ tiêu năm 2022 được xây dựng trên nền thấp, khi tác động của dịch Covid-19 nghiêm trọng trong năm 2021.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, do tác động bên ngoài và vấn đề nội tại chưa khắc phục, nên hạn chế đầu năm 2023 đã được bộc lộ rõ qua tình hình kinh tế-xã hội khó khăn.

“Đây là điều không bất ngờ vì 2023 là năm “mã hồi” của Covid-19, tác động ngay đầu năm, nên đánh giá kinh tế-xã hội cả năm 2023 và những tháng đầu năm phải có cái nhìn khách quan, không chỉ nhìn vào bên trong mà cần nhìn cả vào tình hình thế giới. Do tác động xung đột, mâu thuẫn giữa các nước lớn gây ảnh hưởng đến điều tiết nên cầu giảm mạnh, trong khi nền kinh tế nước ta lại có độ mở lớn, dẫn đến trồi sụt của kinh tế trong nước tương ứng với thế giới”, đại biểu phân tích.

Nói rõ thêm về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo đại biểu đó là xuất phát từ chất lượng thể chế kém, tư duy chiến lược quá ngắn, “ăn đong”, dẫn đến gây khó cho doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công thấp, động lực tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là vấn đề đáng báo động, trong khi phải đối mặt với việc đáp ứng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu.

Từ đó, đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị các nhóm giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, cũng như gỡ khó cho doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ phải có chương trình đối phó ngắn hạn với tình hình khó khăn hiện nay, trong đó tập trung vào hai công cụ chính là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó có giảm thuế GTGT.

Bên cạnh đó, cần phải điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là áp dụng các nguyên tắc về thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân các nhà đầu tư và thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài.

Ngoài ra, cũng cần phải giải phóng năng lực trong khối doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, các doanh nghiệp startup, coi đây là “doanh nghiệp dân tộc” để hỗ trợ và tạo ra một lực lượng doanh nhân thực sự hùng mạnh, tự chủ để phát triển đất nước hùng cường.

Kiến nghị các giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ảnh 4

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội Cà Mau, hiện là Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng, phải làm sao để doanh nghiệp “sống”, vì doanh nghiệp là nền tảng quốc gia. “Tôi đề nghị Quốc hội phải có một nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp trong thời đại mới, bao gồm cả liên quan vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp không gặp khó, phiền hà trong thanh tra, kiểm tra”, ) - đại biểu Đinh Ngọc Minh kiến nghị.

Tôi đề nghị Quốc hội phải có một nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp trong thời đại mới, bao gồm cả liên quan vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp không gặp khó, phiền hà trong thanh tra, kiểm tra.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh

Trong khi đó, đại biểu Đặng Hồng Sỹ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho biết, từ cuối năm 2022, những tháng đầu năm 2023, tình trạng mất việc làm tăng, tập trung ở các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp. "Tốc độ tăng trưởng năm 2022 cao, thu ngân sách vượt chỉ tiêu, tuy nhiên, đời sống người dân thì còn nhiều khó khăn, đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời".

Đại biểu phân tích nguyên nhân của tình trạng này là do biến động từ tình hình kinh tế thế giới cũng như một số vấn đề trong nước làm ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, đại biểu Đặng Hồng Sỹ cho rằng cần tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường mới, cũng như cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản.