Tiếp tục chính sách giảm thuế giá trị gia tăng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

NDO - Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo Nghị quyết của Quốc hội như đề nghị của Chính phủ nhằm mục đích tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm và sản xuất, kinh doanh hiện gặp nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội chiều 24/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội chiều 24/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chiều 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe các báo cáo về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022.

Cần thiết tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT trong năm 2023

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch Covid-19, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có quy định giảm mức thuế suất thuế GTGT đối với hầu hết các mặt hàng đang chịu thuế suất 10% xuống còn 8%.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất và trước tình hình biến động của giá xăng, dầu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp...

Tiếp tục chính sách giảm thuế giá trị gia tăng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Theo đó, dự kiến tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2022 là khoảng 233 nghìn tỷ đồng.

Từ cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trước dự báo tình hình còn nhiều rủi ro, thách thức từ những biến động khó lường của kinh tế thế giới và mức độ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đã hội nhập quốc tế sâu rộng, để chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và tài chính-ngân sách của năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023…

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ thời gian qua, có thể đánh giá các giải pháp về thuế có hiệu quả cao, tác động tích cực ngay tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân trong đó, giải pháp giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế GTGT nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.

Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế-xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 và trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.

Mục tiêu nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở đó, năm 2023, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% quy định tại điểm a khoản 1.1, Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Năm 2023, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% quy định tại điểm a khoản 1.1, Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 như sau: Giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh, thực hiện theo phương án này nhằm bảo đảm đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế.

Cần giải pháp bù đắp giảm thu ngân sách nhà nước do giảm thuế giá trị gia tăng

Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2%, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nhấn mạnh sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế GTGT, nhằm tiếp tục hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân vốn đã gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý IV/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.

Về tác động chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Chính phủ dự kiến số giảm thu NSNN năm 2023 do giảm thuế GTGT là 24 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ cũng dự kiến trong thời gian tới đây sẽ xem xét, tiếp tục ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023 và dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.

Tiếp tục chính sách giảm thuế giá trị gia tăng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tờ trình của Chính phủ đã đề cập một số biện pháp để khắc phục và bù đắp các tác động giảm thu ngân sách 2023, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ, các biện pháp này tập trung chủ yếu vào công tác quản lý nói chung như “tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế; tập trung triển khai các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế,…; điều hành chi chặt chẽ, tiết kiệm, cắt giảm các khoản dự toán đã giao những chưa được phân bổ,…”.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế và nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 dự kiến còn nhiều khó khăn, đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về phương án, giải pháp bù đắp các khoản giảm thu này ngoài các biện pháp về tăng cường công tác quản lý để bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối của ngân sách trong phạm vi bội chi NSNN 2023 đã được Quốc hội thông qua.

Đồng thời, trong quản lý thu thuế GTGT, đề nghị Chính phủ khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong công tác hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ để tránh gây ứ đọng vốn và ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp do không được hoàn đối với số thuế đầu vào đã nộp.

Về hiệu lực thi hành chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về thời gian áp dụng chính sách giảm thuế GTGT là từ 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể là chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng làm cho chính sách khó đạt được các mục tiêu đặt ra.

Do đó, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả.