Kinh tế biển là ưu tiên số 1 trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 khoá XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế Biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.
Theo Nghị quyết số 36-NQ/TW, đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn.
Nhiều thành tựu trong phát triển các ngành kinh tế biển
Tại Hội thảo, các nhà khoa học cũng nêu thực trạng phát triển kinh tế biển ở khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Đây là nơi tập trung nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng như: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định); có nhiều hệ thống cảng biển nước sâu như: Chân Mây, Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Chu Lai, Dung Quất, Quy Nhơn.
Khu vực có khả năng kết nối phát triển kinh tế giữa các vùng biển của Việt Nam và các trung tâm phát triển kinh tế năng động của khu vực và thế giới; có nhiều vùng biển đẹp có tiềm năng phát triển du lịch biển; tài nguyên dầu khí và nhiều tài nguyên biển khác. Đồng thời là vùng tập trung nguồn tài nguyên nuôi trồng và đánh bắt gắn liền với chế biến thủy sản hải lớn trên cả nước.
Các nghề thuần biển còn nhiều dư địa phát triển. |
Theo các số liệu năm 2020, kinh tế biển chiếm gần 66% GRDP vùng; giá trị sản xuất của các khu kinh tế ven biển là 675.525 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần sau 5 năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu cũng tăng đáng kể, đạt 196.101 tỷ đồng.
Các khu kinh tế ven biển đã và đang trở thành nơi thu hút được vốn đầu tư phát triển cho các địa phương ở đây. Năm 2020, tổng số dự án được thu hút vào là 1347dự án, số vốn đăng ký là 1.507 ngàn tỷ đồnthuỷg.
Thực tế phát triển thời gian qua cho thấy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 36/NQ- TW, vùng duyên hải Bắc Trung Bộ và Trung Bộ đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong việc phát triển các ngành kinh tế biển, hình thành các khu kinh tế ven biển là động lực cho phát triển của cả vùng; mở rộng các dịch vụ logicstics để thúc đẩy sự liên kết phát triển kinh tế giữa các vùng ven biển với các vùng nội địa và với khu vực, thế giới; du lịch biển trở thành động lực phát triển của nhiều địa phương; nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản đang đưa nhiều vùng biển trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu hải sản lớn trên cả nước.
Đầu tư khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế biển đang được chú trọng nhiều hơn, phục vụ hiệu quả hơn cho các đề án, chương trình hành động phát triển bền vững kinh tế biển ở nhiều tỉnh thành khu vực Trung Bộ.
Nhiều giải pháp phát triển
Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển ở khu vực Trung Bộ vẫn tồn tại nhiều hạn chế, thể hiện ở các khía cạnh: tiềm năng phát triển lớn nhưng quy mô phát triển kinh tế biển ở nhiều địa phương còn nhỏ; các khu công nghiệp ven biển chưa lấp đầy diện tích được quy hoạch; đóng góp của kinh tế biển trong GDP của tỉnh còn thấp, liên kết phát triển còn yếu...
Các nghề thuần biển (làm muối, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ...) còn nhiều dư địa phát triển nhưng chưa tháo gỡ các nút thắt về nhân lực, công nghệ và cơ sở hạ tầng; đầu tư khoa học và công nghệ cho phát triển kinh tế biển còn thiếu nguồn lực và đầu tư dàn trải...
Các đại biểu đưa ra nhiều đề xuất tại hội thảo. |
Tại hội thảo, nhiều ý kiến, đề xuất cũng đã được các đại biểu đưa ra nhằm góp phần phát triển bền vững kinh tế biển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trong thời gian tới.
Đó là các cơ chế chính sách xây dựng và phát triển khu kinh tế ven biển cần hoàn thiện theo hướng nâng cấp khung khổ pháp luật từ Nghị định lên thành Luật để bảo đảm cho các khu kinh tế ven biển có một khung pháp lý đủ mạnh; tập trung nguồn lực phát triển các khu kinh tế ven biển có tiềm năng và các yếu tố lợi thế vượt trội đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư…
Với định hướng liên kết phát triển dịch vụ logistics, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế chính sách và pháp luật quốc gia liên quan đến hoạt động logistics, nội dung quy hoạch quốc gia, vùng, các ngành/lĩnh vực cần được lồng ghép các vấn đề liên kết phát triển vùng; các địa phương cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết, ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong quản lý các hoạt động logistics; liên kết về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; liên kết thu hút đầu tư…
Đối với các hộ ngư dân, cần chú trọng và đẩy mạnh tiến trình hiện đại hoá các công nghệ đánh bắt và bảo quản thủy sản cho đội tàu khai thác xa bờ; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và hậu cần nghề cá tại các địa phương; đẩy mạnh phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu…
Các ý kiến giúp ban tổ chức và Ban chủ nhiệm Chương trình biển có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn để thực hiện Chương trình, từ đó có những kiến nghị thiết thực đối với Đảng, chính phủ và các tỉnh/ngành liên quan.