Loay hoay giải bài toán tảo hôn ở Kỳ Sơn

V.Y.Va về làm dâu và trở thành người bản Huồi Giảng 3 (xã Tây Sơn, Kỳ Sơn, Nghệ An) khi chỉ mới 14 tuổi. Cuộc hôn nhân của Y.Va diễn ra trong vòng một tháng. Khoảnh khắc V.Y.Va muốn quay trở lại trường để học tiếp, giáo viên của em như vỡ òa, vì trường hợp lấy chồng rồi mà quay trở lại trường là rất hiếm, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi tuyên truyền về tảo hôn tại Trường THCS Mường Lống.
Một buổi tuyên truyền về tảo hôn tại Trường THCS Mường Lống.

Cuộc hôn nhân chớp nhoáng

V.Y.Va sinh năm 2006, vì có cảm mến với một bạn nam sinh cùng tuổi, hai em nhanh chóng quyết định nghỉ học để sống chung với nhau. Bố mẹ hai bên cũng không cấm cản. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, kinh tế vẫn phụ thuộc vào bố mẹ, kiến thức và kinh nghiệm vẫn còn hạn chế, việc lấy chồng và làm chủ cuộc sống đối với Y.Va là điều không thể. Lấy chồng, Y.Va “vỡ mộng” về hôn nhân: “Khi mình chưa lấy chồng thì họ bảo là họ sẽ thương mình. Nhưng khi lấy về rồi thì họ không như mình nghĩ, họ không yêu thương mình nữa mà đi chơi để em ở nhà một mình. Công việc nặng nhọc và vất vả lắm”. Gia đình V.Y.Va nghèo nên khi đi lấy chồng bố mẹ đẻ cũng không cho được gì. Kinh tế hai vợ chồng trẻ con hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ chồng. “Công việc ở nhà chồng cũng vất vả, em thì không đủ sức để đi làm rẫy, trồng ngô cùng gia đình chồng Y.Va tâm sự.

Một tháng sau khi về sống chung, Y.Va quyết định bỏ về, quay trở lại lớp học. Trở lại lớp, Y.Va chăm chỉ và cố gắng hơn rất nhiều: “Em ước mơ trở thành giáo viên để dạy học cho các em học sinh vùng cao. Em thường xuyên kể câu chuyện của mình cho các bạn trong lớp nghe mỗi khi ai đó có ý định muốn lấy chồng. Nhiều bạn nghe em kể xong cũng sợ, không dám lấy ngay chị ạ”.

Ở Kỳ Sơn, những trường hợp “lấy chồng từ thuở 13” như Y.Va không hiếm. Xồng Y Dia sinh năm 2004, con lớn ba tuổi mới đủ tuổi làm giấy đăng ký kết hôn. Chồng của Dia năm nay đã 23, cả hai vợ chồng sống chung với nhau từ năm 2020. Khi được hỏi về công việc sau hôn nhân, chồng Y Dia trả lời: “Hai đứa ở nhà thôi, ai thuê gì thì làm nấy, làm nương, làm rẫy

nuôi con”.

Tảo hôn ở Kỳ Sơn phổ biến tới độ, khi chúng tôi tới Kỳ Sơn, nghỉ chân tại ngã ba đường Mường Lống thì gặp bốn phụ nữ người H’Mông vừa bán hàng vừa nói chuyện râm ran. Trong câu chuyện của họ có nói tới trường hợp mới bắt vợ hôm qua bản Phà Xắc: “Vừa hôm qua mới có một cặp lấy nhau xong, hai đứa đang đi học, vợ nó mới 15 tuổi thôi”. Chị H’Y Mại, nguyên cán bộ phụ nữ huyện đã nghỉ hưu - kể mình cũng lấy chồng sớm. Ngay cán bộ phụ nữ huyện, có chị 13 tuổi đã lấy chồng. Tôi hỏi chị Mại có tiếc không, chị bảo: “Tiếc! Nhưng phong tục nó vậy rồi. Nó bắt về, làm ma nhà nó, không lấy là coi như đã có một đời chồng! Khổ lắm”. Có chị năm nay chỉ mới 43 tuổi nhưng cháu ngoại đã lên ba, con của chị cũng lấy chồng từ hồi 15 tuổi.

Anh Và Bá Xử, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết: “Hầu hết các cuộc hôn nhân sau khi cưới đều chưa thể tự chủ, phụ thuộc vào gia đình. Các đôi vợ chồng không có việc làm ổn định nên đời sống của họ bấp bênh, người ta cũng không nghĩ nhiều đến quyền lợi của các con”.

Về lý, việc sinh con khi chưa đủ tuổi không chỉ gây nguy hiểm đến sức khỏe của cả mẹ và bé mà còn gây ảnh hưởng đến quyền lợi của những đứa trẻ. Khi chưa có giấy đăng ký kết hôn thì chính quyền không thể làm giấy khai sinh cho các em, không được pháp luật và Nhà nước bảo vệ, không được hưởng quyền lợi được đóng BHYT và miễn phí BHYT theo quy định. Nhưng tảo hôn đã thành chuyện bình thường với người ở đây, chính quyền cũng chỉ có cách vừa động viên vừa châm chước. Chủ tịch UBND xã Mường Lống, Và Chá Xà cho biết: “Xã đã xử phạt hành chính một vài trường hợp, tất nhiên số tiền xử phạt không cao, chỉ từ một đến hai triệu đồng vì dân ở đây cũng không có tiền để nộp phạt. Mình mà làm căng không cho lấy nhau thì mấy đứa dọa ăn lá ngón tự tử. Nên gia đình cũng sợ, chúng tôi cũng không nỡ xử lý mạnh tay được”. Với các trường hợp chưa đủ tuổi mà sinh con, xã cũng chỉ có cách tạo điều kiện bằng cách cho con mang họ mẹ, xem họ như những bà mẹ đơn thân để làm giấy khai sinh. “Sau khi bố mẹ đủ tuổi làm giấy kết hôn, các bạn nhỏ sẽ được làm lại giấy khai sinh và đổi thành họ của bố”, anh Xử bổ sung.

Loay hoay giải bài toán tảo hôn ở Kỳ Sơn ảnh 1

Một góc bản Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Khi số buổi tuyên truyền tỷ lệ thuận với tình trạng tảo hôn

Độ tuổi tảo hôn ở Mường Lống, theo như ông Và Chá Xà tiết lộ, đang ngày càng trẻ hóa. Con số hiện tại là 13 tuổi. Điều này đầy nghịch lý khi thực tế, các buổi tuyên truyền, tập huấn thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” vẫn diễn ra thường xuyên, số lượng nhiều. Các cuộc vận động, tuyên truyền phần lớn có đông đảo bà con tham gia, đều có mặt những già làng, trưởng bản uy tín, có thống nhất cam kết hạn chế tình trạng tảo hôn. Nhưng sau đó, trai gái vẫn về ở với nhau bất chấp lứa tuổi lít nhít.

“Công tác tuyên truyền của chúng tôi vẫn diễn ra thường xuyên, tuy nhiên, tình trạng này diễn ra nhiều một phần do phong tục tập quán của người dân tộc H’Mông, xuất phát từ tục bắt vợ. Nhưng bây giờ thì bắt vợ không còn nữa, chủ yếu là do các em có tình cảm với nhau thì dắt nhau về xin cưới. Gia đình cũng không ngăn cấm được vì nếu nhà trai không đồng ý thì nhà gái sẽ nghĩ là bị khinh thường, đây không chỉ đơn giản là vấn đề của hai gia đình nữa mà là vấn đề của cả hai dòng họ nên họ chỉ còn cách là chấp nhận cho hai đứa về sống chung”, Chủ tịch xã Mường Lống thở dài.

Trong suốt mấy năm dịch Covid-19, anh Phạm Văn Hòa, Trưởng phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn đã đến từng bản, vận động từng nhà hạn chế tình trạng tảo hôn. Theo anh, để tuyên truyền hiệu quả, thì ngoài việc đến tận nơi, còn cần bỏ thời gian đi làm cùng họ, tối đến sinh hoạt cùng người đồng bào: “Lúc họ thấy thân thiết rồi thì mình nói họ mới nghe”. Những già làng, trưởng bản, người già uy tín cũng được các cán bộ tuyên truyền tranh thủ tỉ tê, để thêm một kênh ủng hộ.

Một biện pháp nữa là tuyên truyền ngay trên ghế nhà trường. Hầu hết các cuộc tảo hôn phần vì phong tục, nhưng hơn hết vẫn là do các em học sinh chưa đủ nhận thức để hiểu hết những nguy hiểm và khó khăn sau khi lập gia đình. Trong mỗi tiết học, giáo viên ở đây cũng lồng ghép để phân tích và chỉ ra cho các em học sinh biết, cảm hóa học sinh bằng cách “mưa dầm thấm lâu”. Những câu chuyện như của Y.Va cũng là một thí dụ điển hình để những cô bé, cậu bé hiểu hơn về thực tế hôn nhân khi còn quá trẻ.

Nhìn Y Dia bên ngoài, không ai đoán em chỉ vừa mới bước qua tuổi 18 cách đây không lâu, cuộc sống tất bật với nương rẫy khiến em già đi nhiều so với các bạn đồng trang lứa.