Tại xã Ninh Thới, của huyện Cầu Kè, tuyến đê bao ven sông Hậu bị sạt lở 10 đoạn, dài hơn 150m và sâu hơn 1m, nước ngập đã ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 400 hộ dân và hơn 160ha vườn cây ăn trái.
Tại xã Đức Mỹ, huyện Càng Long và tại huyện Duyên Hải, nước tràn qua hơn 500m đê bao gây ngập úng cục bộ, thiệt hại 6ha hoa màu, cây ăn trái.
Đối với ấp cù lao Long Trị, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, triều cường đã gây sạt lở 5 đoạn đê bao, dài hơn 100m, hàng chục căn nhà của người dân bị ngập nước.
Lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ gia cố đoạn đê bao ven sông Hậu tại huyện Cầu Kè. |
Tại xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, nước biển dâng gây ngập úng 4,5ha hoa màu, thiệt hại nuôi trồng thủy sản ước hơn 2 tỷ đồng. Hai xã cù lao Long Hòa, Hòa Minh của huyện Châu Thành có 20ha ao tôm của 179 hộ dân bị vỡ bờ bao, ước thiệt hại gần 2 tỷ đồng…
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, ban chỉ huy quân sự các huyện, thị xã tăng cường hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thường trực, kết hợp với lực lượng dân quân tự vệ các xã, thị trấn hỗ trợ khắc phục, gia cố tạm thời để ổn định cuộc sống, bảo vệ tài sản người dân. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp gia cố lâu dài để bảo đảm an toàn sản xuất cho nhân dân.
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Trà Vinh Đặng Thanh Tâm cho biết, chế độ thủy văn trên các sông chính trong tỉnh từ tháng 1/2023 đến tháng 4/2023 chịu ảnh hưởng thủy triều Biển Đông và tác động của gió mùa Đông Bắc.
Phương tiện cơ giới đang gia cố đoạn đê bao xung yếu tại xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè. |
Mực nước cao nhất tháng 1/2023 đã xuất hiện vào ngày 25/1/2023, cao hơn mực nước lịch sử năm 2018 là 20cm, vượt mức báo động ba 31cm trên sông Cổ Chiên.
Giữa tháng 2/2023 đến tháng 4/2023, mực nước cao nhất có thể đạt mức trên báo động ba từ 10-20cm, cảnh báo sẽ gây ra ngập lụt cho các vùng trũng thấp, ven sông, ven biển.