Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 24 đến 25/1/2023, khu vực ven biển Nam Bộ xuất hiện đợt triều cường cao, mực nước lớn nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4,3-4,4m. Độ cao sóng tại khu vực ven biển Bình Thuận-Cà Mau dao động 2-5m, biển động mạnh.
Do ảnh hưởng của triều cường kết hợp sóng lớn, khu vực ven biển các tỉnh Nam Bộ có khả năng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, vùng ven sông và vùng ngoài đê bao.
Trên biển, dự báo ngày và đêm 24/1, ở Vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 2-4m. Ở khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 4-6m.
Khu vực các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 3-5m. Từ trưa, chiều đến đêm 24/1, khu vực từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 3-5m; riêng khu vực giữa Biển Đông 4-6m.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ngập úng có thể xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh.
Lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven biển, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.
Các tỉnh, thành phố sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại; thông báo cho chủ phương tiện vận tải thủy biết thông tin về ngập úng để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
Các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, hệ thống đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, hồ thủy lợi và trọng điểm đê điều xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.