Bộ Xây dựng lấy ý kiến về quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

NDO - Chiều 25/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo góp ý kiến lần thứ nhất về một số nội dung trọng tâm Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Đối với ngành Xây dựng, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn là cơ sở để ngành xây dựng thống nhất với các ngành trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị và nông thôn, hướng dẫn các địa phương lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, nông thôn. Đồng thời cũng là cơ sở để ngành xây dựng triển khai xây dựng hợp phần Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn trong Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, vị thế của Việt Nam những năm qua đã có bước thay đổi to lớn, với các lợi thế và điều kiện đặc biệt để phát huy vị thế quốc gia, góp phần vào sự ổn định, phát triển và phồn vinh trong khu vực và trên thế giới.

Trong gần 35 năm qua kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt, đặc biệt là về kinh tế. Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng tác động nặng nề của dịch Covid-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt "mục tiêu kép", Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. Tuy nhiên so sánh với các nền kinh tế trong khu vực, Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam hiện nay vẫn thuộc loại trung bình thấp so các nước trong khu vực.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đang có những biểu hiện “chậm chân” so các nước trong khu vực. Quá trình đô thị hóa gắn liền với dịch chuyển cư dân từ nông thôn đến thành thị và dịch chuyển của người lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ ở các trung tâm đô thị, làm gia tăng dân số tự nhiên ở khu vực đô thị. Hiện nay, Việt Nam đã phần nào kiểm soát được tình trạng bất bình đẳng giữa đô thị và nông thôn và giữa các vùng thông qua thúc đẩy công nghiệp hóa nông thôn, đô thị hóa tại chỗ và phân bổ ngân sách từ Trung ương cho những khu vực nghèo hơn. Những khoản phân bổ ngân sách này cho phép mở rộng hạ tầng và dịch vụ cơ bản ở nhiều vùng nông thôn.

Nhiều ý kiến tại hội thảo tập trung phân tích những đặc điểm chính của quá trình đô thị hóa và chuyển đổi không gian lãnh thổ ở Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ vừa qua gắn liền với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đất đai, dân số và phúc lợi xã hội.

Theo đó, không gian kinh tế chuyển đổi nhanh chóng bởi sự tăng trưởng các khu vực công nghiệp và dịch vụ trên phạm vị lãnh thổ, hiện đóng góp khoảng 85% GDP quốc gia. Quá trình chuyển đổi kinh tế gắn với chuyển đổi không gian đô thị hóa, được định hình bởi ba lĩnh vực chính: dịch chuyển lao động; quy hoạch đô thị và sử dụng đất; và chính sách tài khóa và tài trợ; tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế trên diện rộng với đặc trưng là không có bất bình đẳng lớn giữa các vùng. Lao động từ lĩnh vực nông nghiệp đã chuyển sang công nghiệp và dịch vụ trong nội bộ khu vực nông thôn.

Công nghiệp hóa gắn liền đô thị hóa và biểu hiện ở hai cấp độ không gian lãnh thổ: Cấp độ 1, là hai vùng kinh tế-xã hội có mức độ đô thị hóa cao, gồm vùng đồng bằng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng. Trong đó: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực bao quanh đại diện cho khoảng 70% việc làm công nghiệp và dịch vụ, sản xuất và lợi nhuận. Cấp độ 2 là bốn vùng còn lại gồm: Trung du miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền trung, đồng bằng sông Cửu Long.

Các đại biểu cũng đánh giá các điểm nghẽn trong tổ chức không gian đô thị hóa của Việt Nam gồm: tính kinh tế nhờ tích tụ yếu và khó có khả năng chuyển sang các hoạt động kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn; thiếu nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số đô thị; phát triển không gian dàn trải, mở rộng nhanh chóng các khu vực đô thị làm cho đô thị hóa đất đai tăng nhanh hơn đô thị hóa dân số do chính nâng cấp đô thị…

Các ý kiến tại hội thảo sẽ được Bộ Xây dựng tổng hợp để hoàn thiện Quy hoạch hệ thống đô thị và Nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.