Ngày 24/11, tại Hà Nội, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức Hội thảo “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học: Từ chính sách đến thực tiễn”, đã công bố những con số đáng lưu tâm về vấn đề sức khỏe tâm thần học đường tại 6 trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả nghiên cứu cũng đưa ra những con số đáng được chúng ta hết sức lưu tâm: 11,7% các em học sinh tự đánh giá mình có nguy cơ rối loạn tâm lý, 7,2% có rối loạn tâm lý; 47% học sinh tham gia khảo sát cho rằng nguyên nhân của các vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội đến từ việc cha, mẹ, ông, bà quản lý nghiêm ngặt và do áp lực và thất bại trong học tập. 73,2% học sinh và 35,8% phụ huynh được khảo sát rất mong muốn nhà trường hoạt động phòng ngừa, đào tạo kỹ năng sống, giá trị sống và kỹ năng ứng phó cho các em học sinh.
Điều này cho thấy, các bên cần hợp lực thúc đẩy nhận thức và hành động mạnh mẽ hơn giữa gia đình, nhà trường và chính phủ trong bối cảnh hậu đại dịch. Đồng thời, cũng là cơ hội cho các bên liên quan nhìn thẳng vào vấn đề sức khỏe tâm thần cùng những khó khăn trong việc chia sẻ và giải quyết vấn đề này giữa học sinh, phụ huynh và nhà trường.
Năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các vấn đề về sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến hơn một phần tư dân số thế giới, với các rối loạn như trầm cảm ảnh hưởng đến 350 triệu người trên toàn cầu. Tại Việt Nam, nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội năm 2021 ước tính có khoảng 15-30% người trẻ Việt Nam độ tuổi từ 9-19 bị rối loạn sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm, cô đơn và rối loạn tăng động giảm chú ý.
Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, một trong ba đơn vị tài trợ và thực hiện nghiên cứu, chia sẻ: Trường học là một trong những môi trường tâm lý xã hội quan trọng nhất của thanh thiếu niên, cung cấp các yếu tố nguy cơ về sức khỏe tâm thần, các yếu tố bảo vệ và cơ hội để nâng cao và hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bầu không khí học đường, áp lực học tập, bắt nạt và các yếu tố gây căng thẳng xã hội khác đều tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của học sinh lứa tuổi vị thành niên ở Việt Nam. Các dịch vụ sức khỏe tâm thần tại trường học là rất quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần của học sinh lứa tuổi vị thành niên và giải quyết các yếu tố nguy cơ liên quan đến sức khỏe tâm thần ở trường học.
Các em học sinh tiểu học tham dự Hội thảo chia sẻ về Kế hoạch hành động năm 2023 tại trường học. |
“Cùng với Nghị định 80 của Chính phủ về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý dành cho học sinh tại trường phổ thông và Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học. Mới đây nhất, Quyết định số 1442/QĐ-BGDĐT ngày 1/6/2022 ban hành Chương trình giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022-2025 của ngành giáo dục đã nhấn mạnh cần xây dựng và triển khai thí điểm, nhân rộng các mô hình nâng cao sức khỏe tâm thần trong trường học. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 70% trường học trong cả nước không có phòng tham vấn tâm lý học đường đạt chuẩn, khiến các em thiếu đi sự hỗ trợ kịp thời và phù hợp” - bà Hoàng Phương Thảo cho biết.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra nhiều khuyến nghị ở tất cả các cấp - từ gia đình, nhà trường tới các nhà chức trách, đồng thời đề xuất kế hoạch hành động thí điểm nhằm giúp trẻ, đặc biệt là các em hệ tiểu học, tiếp cận với chăm sóc sức khỏe tâm thần, một chủ đề còn chưa được quan tâm thỏa đáng, an toàn và không phán xét.
ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam và các đối tác đã triển khai Chương trình “Trường học an toàn và chất lượng cho trẻ” kéo dài từ năm 2019-2025, hỗ trợ học sinh tiểu học trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) về các chủ đề: xây dựng trường học an toàn và hòa nhập, nâng cao sức khỏe tâm lý học đường, phòng chống các bệnh do nguồn nước, cải thiện chất lượng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục. Qua đó, chương trình thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là trẻ ở khu vực nghèo và cận nghèo đô thị.