Những ngày qua, thời tiết ở các tỉnh phía nam lúc nóng, lúc lạnh khiến nhiều trẻ em, người già liên tục mắc các bệnh về đường hô hấp phải nhập viện như: viêm đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phổi ở trẻ em và các bệnh hen suyễn, thấp khớp, viêm phổi, tăng huyết áp… ở người già.
Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1, sau một thời gian các bệnh về đường hô hấp lắng xuống, bất ngờ trong những ngày qua, số lượng người mắc bệnh lại tăng so với những tuần trước đó khoảng 20%, chủ yếu là bệnh viêm tiểu phế quản và viêm phổi.
Qua theo dõi hơn 10 năm, bác sĩ Tuấn nhận thấy, hễ khi thời tiết từ nóng chuyển sang lạnh là các bệnh về đường hô hấp ở trẻ lại tăng lên. Đối với các tỉnh, thành phố ở Nam Bộ, thời gian đỉnh điểm của các bệnh về đường hô hấp bắt đầu từ tháng 8 và đã kết thúc vào tháng 11 vừa qua. Lẽ ra đây là giai đoạn giảm, nhưng do năm nay thời tiết nóng, lạnh bất thường khiến cho các ca mắc bệnh về đường hô hấp tăng trở lại. “Mức tăng hiện nay là khoảng từ 10% đến 20% so với những tuần trước đó. Như vậy, nếu so với cùng kỳ thời điểm này năm trước, các bệnh về đường hô hấp tăng khoảng 20%” - bác sĩ Tuấn cho biết thêm.
Tuy nhiên, điều mà bác sĩ Tuấn cũng như nhiều thầy thuốc khác lo ngại nhất hiện nay là các bậc phụ huynh mắc những sai lầm nghiêm trọng trong quá trình chăm sóc trẻ. Nhiều phụ huynh thấy thời tiết lạnh cho trẻ mặc nhiều lớp áo, đến khi thấy trẻ nóng đổ mồ hôi lại cho nằm quạt máy hay máy lạnh và họ lạm dụng các thiết bị này khiến trẻ rất dễ mắc bệnh về đường hô hấp. Không chỉ có các bậc phụ huynh ở vùng sâu, vùng xa mà ngay tại TP Hồ Chí Minh, nhiều phụ huynh có trình độ học vấn cao cũng không hiểu điều này - bác sĩ Tuấn cho biết.
Bác sĩ Tuấn cũng cảnh báo về tình trạng các bậc phụ huynh khi thấy trẻ bị bệnh, nhất là các bệnh về đường hô hấp, thường quan tâm đến trẻ ho ít hay nhiều là một sai lầm rất nguy hiểm. “Ngay cả giới truyền thông cũng chưa hiểu rõ điều này nên không ít những tờ báo giật tít “nghe tiếng ho đoán bệnh”. Khi một em bé bị ho, vấn đề quan trọng không phải là bé ho ít hay ho nhiều, mà chúng ta cần quan tâm xem em bé thở như thế nào, có bị khó thở hay không để biết được dấu hiệu trẻ bị nhiễm bệnh nặng hay nhẹ, còn việc kích thích gây ho phần lớn là nằm ở đường hô hấp trên, bệnh này thường nhẹ” - bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Từ nay đến Tết Nguyên đán 2016, thời tiết còn diễn biến nóng lạnh bất thường, các thầy thuốc khuyến cáo: Lúc lạnh, các bậc phụ huynh nên cho bé mặc quần áo vừa phải, không nhất thiết phải mặc hai, ba lớp quần áo. Với tiết trời lạnh ở miền nam, chỉ cần khoác thêm cho bé một chiếc áo ấm là đủ. Lúc nóng, sử dụng máy lạnh, quạt máy cũng phải hợp lý, nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây tác hại lớn cho trẻ em và người già. Ngoài ra, rửa tay cũng là cách phòng ngừa bệnh tốt nhất trong lúc thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay. Rửa tay không chỉ phòng ngừa các bệnh về đường tiêu hóa mà còn phòng ngừa rất hiệu quả các bệnh về đường hô hấp, đây chính là “liều vắc-xin” tốt nhất.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, thời điểm này trẻ rất dễ bị các mầm bệnh, các loại vi khuẩn bên ngoài tấn công. Do đó, để chủ động trong vấn đề này nên chủng ngừa cho cả trẻ em và người già vắc-xin cúm để tránh viêm phổi, nhất là các cụ mắc bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính. “Chúng ta đừng nghĩ rằng người lớn chỉ cảm ho thông thường là không có gì. Đối với người già, trẻ em, không cho tiếp xúc với những người mắc bệnh dù chỉ là cảm ho thông thường” - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh bác sĩ Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, bệnh viêm tiểu phế quản do một loại vi-rút về hô hấp gây ra, có tỷ lệ nhập viện hàng đầu hiện nay. Loại vi-rút này có thể lây cho cả người lớn và trẻ em. Với người lớn, chỉ cảm ho thông thường không đáng kể, nhưng nếu lây cho trẻ em thì 90% trở thành viêm tiểu phế quản và tuổi càng nhỏ bệnh càng nặng.