Chênh lệch vùng, miền trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi ngày có 39 trẻ sơ sinh (dưới 28 ngày tuổi) tử vong. Tỷ lệ này chiếm tới 80% số ca tử vong đối với trẻ dưới 1 tuổi và tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và cao gấp ba, bốn lần so với thành thị.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Trạm y tế xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) thăm, khám chữa bệnh cho người dân địa phương. (Ảnh ÐẶNG MINH)
Bác sĩ Trạm y tế xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) thăm, khám chữa bệnh cho người dân địa phương. (Ảnh ÐẶNG MINH)

Tiến sĩ Trần Ðăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong cải thiện sức khỏe sinh sản trong vòng 20 năm qua và là một trong sáu quốc gia duy nhất trên thế giới đạt Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ số 5 (MDG5) về giảm tình trạng tử vong mẹ vào năm 2015. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở nước ta trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt hơn 80%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ duy trì từ 95 đến 97%; tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu sau đẻ đạt khoảng 80%...

Mặc dù công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em đã có những chuyển biến tích cực, nhưng thực tế hiện nay vẫn còn sự chênh lệch và bất bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản giữa các dân tộc và vùng miền. Tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng 3 cao gấp 3,5 lần so với vùng 1; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở nông thôn cao gấp đôi thành thị và khoảng cách về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh ngày càng gia tăng.

Tại các tỉnh miền núi, vùng khó khăn vẫn có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao hơn so với trung bình cả nước khi tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp hai lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (tương ứng 31,4% so với 15% và 21% so với 8,5%). Các bằng chứng hiện tại cho thấy mặc dù tỷ lệ tử vong mẹ ở cấp quốc gia đã giảm xuống còn 46 ca tử vong/100 nghìn trẻ đẻ sống, nhưng tỷ lệ này vẫn ở mức cao với 100 đến 150 ca tử vong/100 nghìn trẻ đẻ sống ở các vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số, như ở khu vực trung du và miền núi phía bắc và khu vực Tây Nguyên. Hơn một nửa số ca tử vong mẹ xảy ra tại các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh do năng lực quản lý các biến chứng thai sản của các cơ sở y tế vẫn còn hạn chế.

Lý giải thực trạng này, Tiến sĩ Trần Ðăng Khoa đưa ra một số nguyên nhân, đó là do thiếu nhân lực (thiếu cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức; 30% số bác sĩ đa khoa làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tại tuyến huyện); thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị. Ðáng chú ý, năng lực hạn chế về cấp cứu sản khoa, sơ sinh (sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí); giao thông đi lại khó khăn do đặc thù vùng núi, cho nên nhân viên y tế khó tiếp cận, rào cản văn hóa và hiểu biết hạn chế về các biến chứng thai sản cũng là những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong mẹ gia tăng.

Chính vì giao thông đi lại khó khăn, cơ sở y tế thì xa nơi dân ở, cho nên vẫn còn nhiều người mẹ vùng khó khăn phải sinh con tại nhà, không được chăm sóc y tế kịp thời, đúng cách dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó, đội ngũ cô đỡ thôn bản hiện nay chưa được quan tâm đúng mức không được hưởng phụ cấp, gây khó khăn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng dân tộc thiểu số.

Ðể giải quyết vấn đề này, ngành y tế đang tập trung triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh: Tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng và tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở khu vực miền núi. Trong bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số, các can thiệp đổi mới sáng tạo cũng bao gồm các can thiệp chăm sóc sức khỏe từ xa, trong đó ứng dụng trên điện thoại sử dụng internet để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ em nhằm thúc đẩy sinh con an toàn trong cộng đồng thiểu số các vùng dân tộc, vùng núi, vùng khó khăn; tuyên truyền sâu rộng cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, bà mẹ mang thai trong quá trình mang thai phải bảo đảm bốn lần khám trong suốt thời gian thai kỳ.

Theo Tiến sĩ Trần Ðăng Khoa, cần chú trọng tập trung xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, bởi đội ngũ này là cánh tay nối dài của ngành y tế, có thể giúp giảm tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh. Ngành y tế khuyến cáo các địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa cần có những chính sách quan tâm, hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn bản phù hợp trong thời gian tới.