Hội nghị của OPEC+ diễn ra ngay trước thềm chuyến công du đầu tiên tới khu vực Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi nhậm chức. Tại hội nghị gần đây nhất ngày 2/6, OPEC+ có quyết định được đánh giá vì cộng đồng quốc tế là tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày vào tháng 7 và tháng 8, cao hơn mức tăng 432.000 thùng/ngày tại cuộc họp đầu tháng 2/2022. Giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 sau khi Mỹ và châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan cuộc xung đột tại Ukraine. Dù giá đã giảm bớt nhưng vẫn "neo" ở ngưỡng hơn 115 USD/thùng vào ngày 30/6 do nguồn cung bị thắt chặt và lo ngại về bất ổn địa chính trị toàn cầu.
Saudi Arabia và Nga lần lượt là hai nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới trong OPEC+. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, sản lượng của Nga đã giảm từ khoảng 11 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2022 xuống mức trung bình 10 triệu thùng/ngày. Như "lửa đổ thêm dầu", các cuộc biểu tình và phong tỏa tiếp diễn tại nhiều cảng dầu mỏ ở Libya khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ bị hạn chế, càng làm gia tăng lo ngại về nguồn cung. Nhà phân tích năng lượng tại trung tâm Commerzbank Research, ông Carsten Fritsch nhận định, việc OPEC+ tăng sản lượng vào tháng 7 và 8 cũng chưa chắc bù đắp được các đợt cắt giảm sản lượng trong tháng 5/2020 để giúp hạ nhiệt giá dầu.
Giữa tháng 6 vừa qua, giá xăng dầu tăng lên mức kỷ lục ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Theo số liệu của nhà cung cấp dịch vụ thông tin giá nhiên liệu Opinet do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Hàn Quốc điều hành thông báo, giá mỗi lít xăng tại "xứ sở kim chi" dao động ở mức 2.063,45 won (1,61 USD) vào giữa tháng 6 vừa qua, vượt mức cao kỷ lục được ghi nhận trước đó vào ngày 18/4/2012 với 2.062,55 won/lít. Giá xăng ở Hàn Quốc vượt ngưỡng 2.000 won/lít vào ngày 15/3 vừa qua sau hai tháng tăng liên tục từ mức 1.600 won/lít vào tháng 1. Mặc dù giá xăng sau đó đã giảm còn 1.940 won/lít vào ngày 1/5 nhưng ngay lập tức quay đầu tăng mạnh. Giá dầu diesel ở Hàn Quốc trong tháng qua cũng đã phá kỷ lục mỗi ngày sau khi vượt qua mức cao nhất trong 14 năm qua là 1.947,75 won/lít. So với thời điểm đầu năm, giá xăng và dầu diesel tại Hàn Quốc đã tăng lần lượt 26,1% và 41,6%.
Trong nỗ lực bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ Hàn Quốc đã nâng mức cắt giảm thuế xăng dầu từ 20% lên 30% kể từ ngày 1/6, song vẫn không thể đuổi kịp đà tăng của nhiên liệu. Nhà kinh tế Lee In-ho của Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) phân tích, nhu cầu về dầu mỏ sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong những tháng tới trong khi nguồn cung vẫn còn bấp bênh. Giá dầu thế giới khó có thể giảm trừ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine và những bất ổn toàn cầu khác được giải quyết ổn thỏa.
Tại châu Mỹ, Bộ Tài chính và Tín dụng công Mexico thực hiện trợ giá xăng để tránh "cú sốc" tăng giá đột ngột cho người tiêu dùng, đồng thời tạm ngừng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu nhập khẩu. Theo đó, quốc gia Bắc Mỹ đã phân bổ hơn 12,1 tỷ peso (gần 600 triệu USD) trong tháng 5 vừa qua để hãm đà tăng giá nhiên liệu. Quyết định của Chính phủ Mexico đã khiến nguồn thu thuế nhiên liệu nhập khẩu của quốc gia Bắc Mỹ giảm 92,2% so cùng kỳ năm 2021, từ 5,57 tỷ USD xuống còn 464 triệu USD.
Cơ quan Quản lý thuế Mexico (SAT) ước tính, biện pháp kiềm chế lạm phát thông qua trợ giá xăng dầu sẽ tiêu tốn 20 tỷ USD từ ngân sách năm 2022. Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản ngay từ đầu năm 2022 đã quyết định trợ cấp cho các nhà phân phối và nhập khẩu xăng dầu để kiềm chế đà tăng giá của mặt hàng chiến lược này. Quyết định nêu trên được đưa ra sau khi giá bán lẻ xăng trung bình ở Nhật Bản chạm ngưỡng kỷ lục 170 yen (gần 1,5 USD/lít) lần đầu trong hơn 13 năm qua.
Trong bối cảnh nguồn cung không bảo đảm và tình hình phức tạp ở nhiều khu vực trên thế giới, chính phủ một số nước đã phải vận dụng nhiều cơ chế đặc biệt nhằm làm giảm sức nóng của cơn sốt giá xăng dầu. Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc bảo đảm an ninh năng lượng toàn cầu cần sự chung tay của các quốc gia trên thế giới chứ không chỉ trông chờ vào nỗ lực đơn lẻ của OPEC+.