Báo động số ca mắc sốt xuất huyết

Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đã vượt ngưỡng cảnh báo dịch và vẫn đang tăng mạnh cả về số ca mắc và số ca nặng phải nhập viện. Thực tế này đang đặt ngành y tế trước những áp lực không nhỏ và đòi hỏi đẩy mạnh nhiều giải pháp phòng ngừa.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại các khu nhà trọ phường Khương Ðình, quận Thanh Xuân.
Kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại các khu nhà trọ phường Khương Ðình, quận Thanh Xuân.

Theo thống kê mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 28/10 đến 4/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.312 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 8,9% so với tuần trước đó). Bệnh nhân rải rác tại tất cả quận, huyện, thị xã; nhiều nhất là tại quận Hà Ðông, các huyện: Thanh Oai, Phú Xuyên. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.716 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc phải nhập viện cũng tăng cao. Bệnh viện đa khoa Ðức Giang hiện đang điều trị cho 150 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có nhiều ca diễn biến nặng. Giám đốc Bệnh viện đa khoa Ðức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, năm nay, sốt xuất huyết nặng hơn mọi năm và gần 50% bệnh nhân nhập viện có các dấu hiệu cảnh báo trở lên, như: Ðau bụng dữ dội, chảy máu lợi, nôn ra máu, thở gấp, đau đầu, chóng mặt, tiểu cầu giảm sâu... Sốt xuất huyết có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có giảm tiểu cầu. Tại Bệnh viện đa khoa Ðống Ða số bệnh nhân sốt xuất huyết có tiểu cầu từ 3 đến 5G/L không quá hiếm; thậm chí, lần đầu tiên có tiểu cầu giảm về mức 0G/L.

Tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, nhu cầu truyền tiểu cầu cao hơn từ 2 đến 3 lần so với bình thường. Tính đến cuối tháng 10/2022, viện đã tiếp nhận được 24.920 đơn vị tiểu cầu từ 8.198 người hiến (trung bình mỗi người hiến 3 lần). Lượng tiểu cầu này đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu cấp cứu và điều trị của gần 180 bệnh viện tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc.

Lý giải nguyên nhân sốt xuất huyết bùng mạnh trong thời điểm này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: Ðặc điểm của thời tiết hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. Chu kỳ của dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát thành dịch sau 5 năm một lần. Trước đó, dịch sốt xuất huyết lớn nhất gần đây xảy ra vào năm 2017. Vì vậy, theo chu kỳ đó, năm 2022, sốt xuất huyết lại bùng phát thành dịch. Một số quận, huyện hiện vẫn còn ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện muộn, ổ dịch kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết vẫn đang tăng. Bên cạnh đó, người dân vẫn còn lơ là, chủ quan. Một số trường hợp khi có những triệu chứng nghi ngờ, sốt, nhưng không đến các cơ sở khám, chữa bệnh ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo dự báo của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch. Do đó, nguy cơ ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/11/2022 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Chỉ thị nêu rõ, phải đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Chủ động, quyết liệt, tập trung xử lý các ổ dịch không để lan rộng, kéo dài; phòng, chống sốt xuất huyết một cách triệt để, thực chất, ngăn chặn đẩy lùi dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, hạn chế thấp nhất số ca mắc, nhất là tình trạng bệnh nhân chuyển nặng tử vong.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, để hạn chế thấp nhất số ca tăng nặng và tử vong, ngành y tế Hà Nội đã yêu cầu các bệnh viện bảo đảm đáp ứng đầy đủ về nhân lực, giường bệnh, máy móc, thuốc men, dịch truyền, đồng thời đề nghị các địa phương vào cuộc phòng, chống sốt xuất huyết như chống dịch Covid-19.

Thành phố đã tổ chức tập huấn cho các bệnh viện công lập và ngoài công lập về phác đồ điều trị, cập nhật những kiến thức về sốt xuất huyết. Ðối với các bệnh viện, ngành y tế đã thực hiện phân luồng, phân tuyến để phù hợp với mức độ bệnh nhân nặng, nhẹ và chuyển tuyến an toàn. Ngoài ra, Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện bảo đảm đủ hóa chất, vật tư tiêu hao, thuốc... trong thu dung, điều trị người bệnh. Song, giải pháp quan trọng nhất là công tác tổng vệ sinh môi trường, tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch và bệnh nhân mắc sốt xuất huyết để có những phương án xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan ra cộng đồng. Sở Y tế đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân không chủ quan, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời ■