Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Tuy An, thị xã Đông Hòa, Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa thông báo lệnh cấm trên tới người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng đề nghị Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá phối hợp các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ các thông tin về tình hình diễn biến của bão.
Qua đó, các đơn vị chủ động thông báo cho ngư dân (chủ phương tiện tàu thuyền) hoạt động hành nghề đánh bắt trên biển trở lại sau bão, có kế hoạch sản xuất cho phù hợp bảo đảm an toàn khi hành nghề.
Trong sáng 26/9, đoàn công tác của tỉnh, do đồng chí Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh làm trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác ứng phó cơn bão số 4 tại một số công trình trọng điểm, kè biển, hồ đập… trên địa bàn thành phố Tuy Hòa và huyện Tuy An.
Tại công trình kè biển An Phú (thành phố Tuy Hòa), các đơn vị thi công khẩn trương gia cố các hạng mục đang thi công nhằm hạn chế sóng biển gây thiệt khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền.
Ông Phạm Hoàng Trí, Giám sát trưởng công trình kè biển An Phú, cho biết: Công trình kè biển An Phú thuộc dự án Cấp bách kè biển Xóm Rớ và khu vực sạt lở xã An Phú do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư.
Riêng công trình kè An Phú sẽ thực hiện nâng cấp khoảng 300m và xây mới 160m.
Đến nay, đoạn kè 500m cơ bản đã hoàn thành; đoạn xây mới thuộc 160m đến nay cơ bản hoàn thành khoảng 130m; tổng khối lượng của công trình đạt khoảng 85%.
Chủ đầu tư đã yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương gia cố các những điểm xung yếu, đưa trang thiết bị, máy móc, vật tư… đến nơi an toàn trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền với mục đích bảo đảm an toàn về con người và tài sản.
Tại công trình Kè chống sạt lở khu vực bờ biển xã An Hòa Hải (huyện Tuy An), các đơn vị thi công cũng khẩn trương gia cố các hạng mục xung yếu để ứng phó sóng biển, mưa lũ khi bão đổ bộ vào đất liền.
Ông Đàm Ngọc Phú, Giám sát trưởng công trình này cho biết: Dự án Kè chống sạt lở khu vực bờ biển xã An Hòa Hải có tổng chiều dài khoảng 1km, đến nay đã thi công đạt khoảng 65% khối lượng.
Dự kiến đến chiều nay (26/9), các hạng mục xung yếu của công trình sẽ hoàn thành phần gia cố, sau đó sẽ đưa các thiết bị, máy móc vào nơi an toàn nhằm tránh thiệt hại khi bão vào. Các đơn vị thi công công trình này sẵn sàng các phương tiện máy móc hỗ trợ ứng cứu tàu thuyền khi gặp sự cố bị sóng biển đánh dạt vào bờ khi có yêu cầu…
Người dân xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) đưa lồng nuôi thủy sản đã thu hoạch về nhà nhằm tránh thiệt hại do bão gây ra. |
Tại vùng nuôi trồng thủy sản thuộc khu vực Hòn Yên, xã An Hòa Hải, nhiều người dân nuôi tôm hùm cũng khẩn trương thu hoạch tôm nuôi trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền nhằm tránh thiệt hại.
Bà Phan Thị Mai ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải, cho biết: Vụ này, gia đình tôi thả ương nuôi hơn 5.000 con tôm hùm giống. Trước thông tin bão số 4 sẽ rất mạnh nên gia đình tôi quyết định xuất bán hết số lượng tôm giống này với phương châm “xanh nhà còn hơn già đồng” nhằm tránh thiệt hại khi bão tới. Hơn 5.000 con tôm hùm giống này lúc mua là 135.000 đồng/con, sau thời gian ương khoảng 60 ngày, gia đình tôi xuất bán với giá 180.000 đồng/con. Mặc dù còn khoảng 10 ngày nữa thì mới đủ tuổi xuất bán, giá tôm giống thấp hơn giá thực tế hiện nay khoảng 20.000-30.000 đồng/con nhưng cũng phải bán nhằm tránh rủi ro…
Theo ông Trần Sáu, Chủ tịch UBND xã An Hòa Hải, địa phương đã phát thông báo cảnh báo về cơn bão số 4 trên loa truyền thanh xã để người dân chủ động triển khai các giải pháp ứng phó.
Xã đã cử lực lượng xuống hướng dẫn người dân đưa tàu thuyền đến nơi an toàn và gia cố, chằng néo lồng bè, khu nuôi trồng thủy, hải sản bảo đảm an toàn về người, tài sản. Địa phương cũng vận động người dân thu hoạch sớm thủy sản nuôi nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra.
Bên cạnh đó, xã cũng khẩn trương vận động, sẵn sàng triển khai công tác bảo đảm an toàn về người, tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, kiên quyết không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản và trên tàu thuyền tại các khu neo đậu…
Tại công trình sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước thủy lợi Đồng Tròn (huyện Tuy An) thuộc dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Phú Yên, các đơn vị thi công công trình này đang triển khai các phương án nhằm bảo đảm an toàn mưa bão.
Ông Nguyễn Thiện Tân, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng 2, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, cho biết: Công trình sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước thủy lợi Đồng Tròn với các hạng mục sửa chữa, nâng cấp và gia cố mái hạ lưu của đập, thi công rãnh bê tông thoát nước và trồng cỏ.
Đến nay, công trình này đã thi công đạt khoảng 70% khối lượng.
Hiện tại, hồ Đồng Tròn không tích nước, hạng mục máng tràn sự cố đã thi công vượt ngưỡng cao trình của tràn xả lũ… nên sẽ bảo đảm an toàn vượt lũ khi có mưa bão.
Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng đã yêu cầu các đơn vị thi công triển khai phương án phòng chống bão số 4 với mục tiêu bảo đảm an toàn cho công trình, không để xảy ra thiệt hại về người, tài sản khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng, cho biết: Để chủ động ứng phó với bão số 4 và mưa lớn trong những ngày tới, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến của bão để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền và nhân dân chủ động các biện pháp phòng tránh kịp thời, hiệu quả.
Các địa phương cần thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm theo dõi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ngoài ra, cần kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể, sẵn sàng triển khai công tác bảo đảm an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy - hải sản và các công trình đang thi công dở dang vùng cửa sông, ven biển.
Các lực lượng chủ động chuẩn bị phương tiện, vật tư, lực lượng để sẵn sàng huy động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời; tổ chức trực ban nghiêm túc theo dõi tình hình diễn biến của bão, mưa lũ trong những ngày tới…