Phú Thọ tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

NDO - Ngày 4/4, Hội khuyến học tỉnh Phú Thọ phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Hùng Vương và Công ty TNHH JNTC Vina tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Kim Hải cho biết, trong những năm qua, mặc dù đã được quan tâm, song thực tế chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao tại Phú Thọ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Hiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo (có bằng cấp, chứng chỉ) trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm 28% tổng số lao động đang làm việc.

Tổng lực lượng lao động trong độ tuổi (từ 15 tuổi trở lên) trên địa bàn tỉnh là 854,2 nghìn người, chiếm 85% dân số; tổng số lao động đang làm việc là 842,7 nghìn người, trong đó, lao động tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn chiếm hơn 80%; lao động nữ chiếm hơn 50%.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có 22 cơ sở công lập (6 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 14 trung tâm) và 8 cơ sở tư nhân, doanh nghiệp FDI; 11 cơ sở đào tạo nghề trọng điểm, 4 ngành, nghề trọng điểm quốc tế, 10 ngành nghề trọng điểm cấp khu vực ASEAN và 24 nghề trọng điểm quốc gia; có 59 ngành nghề trình độ cao đẳng, 71 ngành nghề trình độ trung cấp, 101 ngành nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.

Phú Thọ tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ảnh 1

Hội khuyến học tỉnh Phú Thọ và Công ty TNHH JNTC Vina ký thỏa thuận hợp tác tài trợ khuyến học.

Mặc dù, trong những năm qua, đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, trang, thiết bị đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được đầu tư, mở rộng, nâng cao, cơ bản đáp ứng với yêu cầu dạy và học. Tuy nhiên, có một thực trạng là các cơ sở đào tạo thiếu hệ thống các xưởng thực hành, trang, thiết bị đào tạo nghề theo chuẩn. Trong khi, chương trình, giáo trình nặng về lý thuyết, chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều khẳng định, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là hết sức quan trọng. Do vậy, các ý kiến tham luận tập trung làm rõ những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề trong bối cảnh hiện nay.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ Hoàng Xuân Đoài, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ cần tăng cường quản lý nhà nước về nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống thông tin cung-cầu lao động trên địa bàn tỉnh; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề phục vụ cho các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu du lịch, trong đó ưu tiên đào tạo cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí. Cùng với đó cần tiếp tục đổi mới hệ thống, sắp xếp lại mạng lưới giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp ở các quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Phú Thọ tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ảnh 2

Hội khuyến học tỉnh trao học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Tiến sĩ Hoàng Công Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương chia sẻ, trong những năm qua, nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội như đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, phát triển chương trình, quy mô đào tạo; tăng cường trao đổi chuyên gia và hợp tác quốc tế trong đào tạo, xây dựng mô hình giảng đường doanh nghiệp, thực hiện cơ chế đào tạo đặc thù và hỗ trợ việc làm cho sinh viên; thực hiện chuyển đối số trong quản trị đào tạo; gắn chặt đào tạo với nghiên cứu khoa học, tăng cường công tác khởi nghiệp sáng tạo và chú trọng đào tạo kỹ năng cho sinh viên...

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng mong muốn, thông qua buổi tọa đàm nhằm giới thiệu, kết nối giữa doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ cao, có cơ sở để liên kết với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện để sinh viên của các nhà trường được tham quan, thực hành, trải nghiệm, gắn lý luận với thực tiễn... để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường kết nối doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên ngành kỹ thuật; huy động doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông nhằm thực hiện hiệu quả đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

Nhân dịp này, Hội Khuyến học tỉnh và Công ty TNHH JNTC Vina ký kết thỏa thuận khung về việc hợp tác và tài trợ khuyến học; trao 30 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Trường đại học Hùng Vương với tổng số tiền 210 triệu đồng.