Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ở Phú Thọ

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin luôn được ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ quan tâm triển khai trong thời gian qua. Vì vậy, việc dạy và học từng bước được thay đổi từ phương pháp truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Tiết học toán tiếng Anh sử dụng bài giảng từ kho học liệu số của ISMART tại Trường tiểu học Hùng Vương, thị xã Phú Thọ.
Tiết học toán tiếng Anh sử dụng bài giảng từ kho học liệu số của ISMART tại Trường tiểu học Hùng Vương, thị xã Phú Thọ.

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn Phú Thọ đã tích cực triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, giúp phương pháp truyền đạt của giáo viên đến người học trở nên sinh động, sáng tạo; giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu.

Trường THPT Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê luôn xác định chuyển đổi số là việc làm tất yếu trong thời điểm hiện nay để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, công tác giảng dạy. Thầy giáo Tạ Minh Ðức, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, hiện nay, nhiều ứng dụng công nghệ đã được nhà trường triển khai đồng bộ, hiệu quả như phần mềm SMAS. Phần mềm này có thể lưu trữ, xử lý linh hoạt các dữ liệu, đáp ứng được mọi nhu cầu quản lý thông tin của nhà trường.

Ngoài ra, trường cũng đã sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, chữ ký số. Tất cả các phòng làm việc của lãnh đạo nhà trường đều được trang bị máy vi tính có kết nối internet; các phòng học đều được trang bị thiết bị giảng dạy đồng bộ giúp nhà trường cũng như cán bộ, giáo viên đưa ra những giải pháp, quyết định phù hợp trong công tác dạy và học; giúp giáo viên thường xuyên khai thác thông tin, ngữ liệu, số liệu… trên internet để xây dựng kế hoạch bài giảng đem lại nhiều tín hiệu tích cực.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Hạ Hòa Phạm Ngọc Diễm, các ứng dụng công nghệ thông tin sẽ phát huy hiệu quả tích cực, hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, quản lý điều hành, hoạt động chuyên môn.

Các trường học thay đổi mạnh mẽ về phương pháp dạy học, tích cực áp dụng công nghệ thông tin vào dạy và học, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo viên trong các nhà trường thường xuyên sử dụng phần mềm để kiểm tra, đánh giá học sinh như: Phần mềm Google Forms, Azota, QM. Học sinh cũng được hướng dẫn và khuyến khích khai thác kho học liệu, sách mềm, tham gia một số lớp học online phù hợp từng đối tượng, qua đó giúp học sinh chủ động hơn trong việc tìm tài liệu, giúp người thầy không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Phú Thọ Ðỗ Thanh cho biết, đến nay, tất cả các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống dữ liệu lớn liên thông để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong lãnh đạo, điều hành; đồng thời, phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung (các thiết bị dạy học số, bài giảng điện tử, bài giảng dạy trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng, hệ thống câu hỏi các đề kiểm tra,…); xây dựng thư viện điện tử trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Ngành giáo dục Phú Thọ cũng đã triển khai nền tảng quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số tới tất cả cơ sở giáo dục nhằm tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên và người học, thúc đẩy học liệu số (phục vụ dạy-học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học); hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành; tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục-đào tạo mới dựa trên các nền tảng số ■