Phụ nữ Thủ đô xây dựng văn hóa ứng xử qua nhiều mô hình có tính thực tiễn cao

Xác định phụ nữ có vai trò rất lớn trong xây dựng văn hóa ứng xử, từ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã lựa chọn, triển khai nhiều mô hình khi thực hiện Quy tắc ứng xử. Các mô hình này là kết quả của lồng ghép giữa các quy tắc ứng xử với phong trào Hội, đặc trưng về sinh hoạt, lối sống của chị em phụ nữ. Từ đó, các mô hình có sự lan tỏa mạnh mẽ với cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu phấn khởi khi tham quan những gian hàng sạch sẽ, ngăn nắp tại chợ Tứ Liên (quận Tây Hồ).
Các đại biểu phấn khởi khi tham quan những gian hàng sạch sẽ, ngăn nắp tại chợ Tứ Liên (quận Tây Hồ).

Với mong muốn phát huy vai trò của tổ chức Hội và hội viên, phụ nữ trong tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống, lối sống văn hóa, trọng tâm là các Quy tắc ứng xử của thành phố, không lâu sau khi Quy tắc ứng xử được thành phố ban hành, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã phát động hội viên, phụ nữ toàn thành phố thực hiện cuộc vận động Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp.

Cuộc vận động Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp được phát động từ năm 2018 và đã được triển khai thực hiện có hiệu quả trong các cấp Hội. Vì vậy, Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Hà Nội lần thứ 16 đã thống nhất tiếp tục phát động thực hiện cuộc vận động Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp trong nhiệm kỳ mới, hướng vào việc tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức và thực hành văn hóa ứng xử trong ăn mặc, nói năng, giao tiếp; văn hóa ứng xử trong gia đình, cơ quan, đơn vị, nơi công cộng và trên không gian mạng.

Tính đến nay, Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” đã trải qua 6 năm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Để các nội dung cuộc vận động, các Quy tắc ứng xử “thẩm thấu” vào tư duy, hành động, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về thực hiện cuộc vận động được chú trọng đổi mới cả nội dung, hình thức để chuyển tải các thông điệp truyền thông về văn hóa ứng xử tới cộng đồng.

Thành Hội Phụ nữ đã tổ chức 144 lớp tập huấn về Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” và 2 Quy tắc ứng xử của Thành phố Hà Nội cho gần 20.000 lượt cán bộ, hội viên nòng cốt và báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở.

Phụ nữ các cấp còn xây dựng các trailer tuyên truyền trước và sau khi diễn ra sự kiện; tuyên truyền thông qua infographic, video, hình ảnh; tăng cường tổ chức livestream; tổ chức các hội nghị tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm triển khai các nội dung của cuộc vận động…

Từ nền tảng nhận thức, cuộc vận động được cụ thể hóa bằng nhiều hình thức triển khai, nhiều mô hình sinh động trong thực tiễn.

Chị em phụ nữ triển khai các Cuộc thi trực tuyến như: Thi Clip dân vũ thể thao trực tuyến; thi làm Clip tiểu phẩm tuyên truyền “Phụ nữ Thủ đô với văn hóa giao thông”; Tìm hiểu pháp luật về đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình; Cuộc thi ảnh trực tuyến “Nét đẹp Phụ nữ Thủ đô...

Nhiều sự kiện lớn được tổ chức tạo điểm nhấn và sức lan tỏa, tôn vinh nét đẹp của phụ nữ Thủ đô như: Hội thi và Liên hoan cấp Thành phố với chủ đề “Phụ nữ Thủ đô ứng xử thanh lịch, văn minh, chung sức xây dựng nông thôn mới”; Liên hoan tiểu phẩm tuyên truyền “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”; Hội thi Chủ tịch Hội cơ sở giỏi Thành phố năm 2023; Chương trình đồng diễn Áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội hàng năm; Festival “Phụ nữ Thủ đô hội nhập, phát triển” năm 2024...

Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã lồng ghép thực hiện và Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với Cuộc vận động Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và xây dựng văn hóa ứng xử người Hà Nội qua năm nội dung quan trọng, gồm: Thanh lịch, văn minh trong nói năng, giao tiếp; Văn hoá ứng xử trong gia đình; Thực hiện văn hoá ứng xử tại cơ quan, đơn vị; Thực hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng; Thực hiện văn hoá ứng xử trên mạng xã hội.

Năm nội dung này đã bao quát tất cả những môi trường mà mỗi chị em phụ nữ tham gia, từ đó, nét thanh lịch người Hà Nội được hình thành, lan tỏa trong gia đình, xã hội.

Từ năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã chủ động đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện ba mô hình: “Tổ dân phố/Thôn văn hoá kiểu mẫu”, “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”; “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Đến nay, các quận, huyện, thị xã đã triển khai thực hiện được 28 Chợ văn minh-an toàn-hiệu quả; 66 Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu; 105 “Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu”. Ngoài ra, hoạt động của ba mô hình này tạo sức lan tỏa để các cấp hội nhân rộng ra nhiều mô hình ở cấp huyện, cấp xã khác.

Là đơn vị phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tây Hồ triển khai mô hình Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả tại chợ Tứ Liên, Trưởng Ban Quản lý chợ quận Tây Hồ Dương Văn Trường cho biết: “Hội Liên hiệp Phụ nữ quận đã phối hợp Ban Quản lý chợ quận rà soát các chợ trên địa bàn và triển khai mô hình tại chợ Tứ Liên (phường Tứ Liên). Sau khi triển khai, chợ Tứ Liên đã quy hoạch các khu vực kinh doanh theo ngành hàng sạch đẹp. Phụ nữ thường xuyên rà soát, nhắc nhở các hộ kinh doanh, nữ tiểu thương thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, không bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm cân đúng, cân đủ, ứng xử văn minh với khách hàng”.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Phạm Thị Thanh Hương cho biết, việc xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội thu được kết quả tích cực là bởi Hội Liên hiệp Phụ nữ đã cụ thể hóa nội dung thành các mô hình dễ triển khai, dễ thực hiện, hiệu quả đánh giá và có tác dụng vào đời sống xã hội, phù hợp mong muốn tâm lý và khả năng, điều kiện thực hiện của cán bộ, hội viên, phụ nữ. Từ kết quả này, các cấp hội sẽ nhân rộng nhiều hơn nữa những công trình, mô hình kiểu mẫu trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các tổ dân phố, chợ truyền thống, di tích lịch sử/danh lam thắng cảnh; tiếp tục quan tâm xây dựng các gia đình hạnh phúc nhằm giữ gìn giá trị gia đình truyền thống.