Phụ nữ di cư khu vực phi chính thức tiếp cận kinh doanh trực tuyến

NDO - Dự án WODIMO mở ra một cơ hội tạo thu nhập tốt hơn cho nhóm phụ nữ lao động di cư trong khu vực phi chính thức thông qua các hoạt động kinh doanh trực tuyến.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chia sẻ thông tin tại hội thảo: Kinh doanh trực tuyến và tiếp cận an sinh xã hội cho phụ nữ di cư phi chính thức.
Các đại biểu chia sẻ thông tin tại hội thảo: Kinh doanh trực tuyến và tiếp cận an sinh xã hội cho phụ nữ di cư phi chính thức.

Ngày 29/6, tại Hà Nội, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội (CEWDS) phối hợp với tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam (CARE) tổ chức buổi Truyền thông giới thiệu dự án WODIMO - Phụ nữ ứng dụng Công nghệ số - mở ra cơ hội tiếp cận hỗ trợ phụ nữ di cư trong thị trường lao động phi chính thức nâng cao thu nhập và cải thiện năng lực tiếp cận dịch vụ công và hội thảo với chủ đề: Kinh doanh trực tuyến và tiếp cận an sinh xã hội cho phụ nữ di cư phi chính thức.

Dự án do Liên minh châu Âu tài trợ - thực hiện trên địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian từ tháng 5/2023 đến hết tháng 11/2025.

Tại buổi chia sẻ có sự tham gia của đại diện nhóm phụ nữ di cư trực tiếp tham gia các hoạt động trong dự án WODIMO và các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Thông tin chia sẻ tại Hội thảo "Nhóm phụ nữ di cư": Kết quả nghiên cứu, đề xuất giải pháp và mô hình hỗ trợ do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 3 năm 2022 cho thấy, phụ nữ di cư chủ yếu tham gia vào các công việc làm thuê (36,1%); buôn bán (24,6%); lao động giản đơn (21%); nội trợ (9,1%); công nhân viên chức (9,1%).

Về trình độ chuyên môn của phụ nữ di cư chưa qua đào tạo chiếm 83,7%, đào tạo ngắn hạn chiếm 5,7%, phần nhỏ là sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.
Về thu nhập trung bình của phụ nữ di cư ở các tỉnh được khảo sát chỉ khoảng 3,1 triệu đồng và 81,8% thu nhập của phụ nữ di cư đều bị giảm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Từ các nghiên cứu khác của chương trình, tổ chức CARE đã phối hợp với Trung tâm CEWDS và các đối tác triển khai một số sáng kiến hướng tới hỗ trợ các nhóm phụ nữ di cư đang lao động trong khu vực phi chính thức nâng cao thu nhập thông qua các hoạt động kinh doanh trực tuyến và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ công cơ bản thông qua sử dụng các nền tảng dịch vụ công trực tuyến.

Kinh doanh trực tuyến từ lâu được biết đến như một cánh cửa mở ra cơ hội tăng thu nhập cho rất nhiều nhóm dân cư trong xã hội. Là một xu hướng nổi bật trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ trên toàn cầu, không nhất thiết phải có thật nhiều vốn, ai cũng có thể lĩnh vực này một cách dễ dàng với những nền tảng có sẵn đầy ưu thế.

Tuy nhiên, với sự phát triển và ngày càng thu hút được nhiều người quan tâm, kinh doanh trực tuyến, dù mang đến rất nhiều lợi ích không thể phủ nhận, vẫn là một lĩnh vực vô cùng khốc liệt nếu người bán không hiểu rõ hoặc tham gia khi chưa thực sự có nhiều nguồn lực để ứng phó với những diễn biến của thị trường.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, quản lý dự án từ tổ chức CARE chia sẻ: “Dự án WODIMO mở ra một cơ hội tạo thu nhập khá hơn cho nhóm phụ nữ lao động di cư trong khu vực phi chính thức thông qua các hoạt động hỗ trợ chị em kinh doanh trực tuyến. Các hoạt động của dự án được thiết kế theo nhu cầu thực tế và khả năng nội tại của các nhóm tham gia.

Thông qua các khóa đào tạo, cầm tay chỉ việc của các chuyên gia đến từ các sàn thương mại điện tử uy tín; từ mạng lưới kết nối các đơn vị cung cấp nguồn hàng có chứng nhận, nguồn gốc xuất xứ, cùng các chương trình đồng hành cùng người bán, hi vọng trong tương lai không xa chị em phụ nữ di cư tham gia dự án sẽ nâng cao được kỹ năng bán hàng hiệu quả, cải thiện được thu nhập cho bản thân và chất lượng cuộc sống của gia đình”.

Phụ nữ di cư khu vực phi chính thức tiếp cận kinh doanh trực tuyến ảnh 1

Các đại biểu tham dự quầy hàng tại hội chợ của phụ nữ kinh doanh ứng dụng công nghệ số.

Thông qua các buổi phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm trong khảo sát đầu kỳ của dự án WODIMO, nhóm phụ nữ di cư trong khu vực phi chính thức cũng chia sẻ họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội như đăng ký tạm trú tạm vắng, đăng ký khai sinh, đăng ký cho con học, hay khám/ chữa bệnh tại các cơ sở công lập.

Trước đó, một nghiên cứu của Oxfam Việt Nam vào năm 2015 cho thấy, đại đa số phụ nữ di cư và con cái họ gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản.

Cụ thể có tới 71% người lao động di cư không tiếp cận được tới dịch vụ y tế công tại nơi đến và 21,2% trẻ trong độ tuổi từ 6-14 tuổi theo cha mẹ - người lao động di cư sinh sống tại nơi đến không đi học. Đây là con số đáng báo động về tình trạng trẻ không tiếp cận được hệ thống giáo dục. Chỉ có 7,7% trẻ em di cư đi nhà trẻ công lập, và 12% trẻ em di cư đi học trường mẫu giáo công lập. Hầu hết cha mẹ đều phải chọn nhà trẻ, mẫu giáo tư nhân hoặc các nhóm giữ trẻ tại gia đình để gửi gắm con em mình.

Chị Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc trung tâm CEWDS, Trưởng ban quản lý dự án nhận định "WODIMO có tính thiết thực cao, tạo cơ hội cho lao động nhập cư về Hà Nội tăng thu nhập và tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, từ đó ổn định cuộc sống và đóng góp phát triển kinh tế xã hội Thủ đô”.

Trong thời gian thực hiện, dự án cũng sẽ làm việc với các cơ quan chức năng và thúc đẩy các giải pháp hướng tới tạo điều kiện để nhóm lao động di cư phi chính thức có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ công cơ bản.