Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội đối với lao động phi chính thức

Mặc dù chưa có một số liệu thống kê cụ thể và đầy đủ về lao động phi chính thức tại Thành phố Hồ Chí Minh, một thị trường lao động được xem là lớn nhất cả nước nhưng chính sách an sinh, đặc biệt là chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng như các chế độ khác... đối với đối tượng này được nhận định là đang bị “lọt lưới”.
0:00 / 0:00
0:00

Thông tin tại Tọa đàm có chủ đề: “Hiến kế mở rộng diện bao phủ BHXH với lao động phi chính chức” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) đã đưa ra một con số rất đáng quan tâm: Năm 2021, có đến 97,8% lao động phi chính thức không tham gia vào bất kỳ một loại hình bảo hiểm nào, 35,5% trong số họ là lao động làm công hưởng lương.

Chỉ có một tỷ lệ nhỏ (2,1%) người lao động phi chính thức cho biết họ có tham gia BHXH tự nguyện. Quỹ này cũng đưa ra nhận định, hiện nhiều người lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của BHXH và các chính sách của BHXH chưa thật sự hấp dẫn đối với người lao động.

Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, chưa được hưởng các chính sách, chế độ an sinh xã hội cơ bản như BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, giờ lao động và chế độ nghỉ ngơi, nghỉ phép, ốm đau, thai sản… như lao động chính thức.

Rõ ràng, tình trạng “lọt lưới an sinh” ở bộ phận không nhỏ người lao động là vấn đề đặt ra, cần được các ngành, chính quyền địa phương quan tâm, bằng những chính sách và giải pháp căn cơ hơn.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, lao động phi chính thức thường là lao động làm các công việc như buôn bán, chạy xe ôm, giúp việc nhà, thu gom rác, làm việc thời vụ tại các cơ sở sản xuất và gần đây được “nhận diện” ngày càng rõ hơn, nhất là thời đại công nghệ số là lực lượng lái xe công nghệ, bán hàng online...

Nhìn chung lao động phi chính thức có một số đặc điểm chung như: Việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp; không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng BHXH, bảo hiểm y tế, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác.

Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Bình Tân, một quận có nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn với số lượng lao động đông nhất nhì thành phố cho hay: Tính đến tháng 5/2023, có 7.072 đơn vị đăng ký tham gia BHXH cho người lao động tương ứng với 148.172 người tham gia; số người lao động tham gia BHXH tự nguyện là 983 người (so với cuối năm 2021 giảm 1.059 người).

Ngoài những lý do khách quan như ảnh hưởng của dịch Covid-19, một trong những lý do người tham gia BHXH tự nguyện giảm là từ ngày 1/1/2022 quy định về mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng lên (mức tăng tùy theo người thuộc hộ nghèo hay với các đối tượng khác).

Ngoài ra còn do sự không bình đẳng về quyền lợi giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Hầu hết Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận/huyện trên địa bàn thành phố nhìn nhận nguyên nhân khiến lao động phi chính thức chưa mặn mà với BHXH tự nguyện, bởi theo quy định pháp luật thì người lao động khu vực phi chính thức là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, chỉ được hưởng hai chế độ dài hạn (tử tuất và hưu trí), còn các chế độ BHXH ngắn hạn (thai sản, ốm đau và tai nạn lao động) là những quyền lợi thiết thực, cơ bản đối với mọi người lao động và nhất là phụ nữ, họ lại chưa được hưởng.

Với mong muốn nâng tỷ lệ người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện để có chính sách an sinh xã hội khi về già, mở rộng diện bao phủ BHXH hơn nữa, các chuyên gia, cơ quan quản lý cho rằng Nhà nước cần nghiên cứu bổ sung thêm quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện; giám sát và hoàn thiện thể chế để khuyến khích người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động, nhất là với lao động phi chính thức làm việc ở khu vực chính thức.