Dự án “Phát triển chuỗi giá trị hồng vành khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc Tày, Nùng vùng biên giới xứ Lạng” của chị Vương Thị Thương là một trong ba dự án giành giải nhất cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Dự án được triển khai không chỉ tạo kinh tế cho bản thân, mà còn tạo động lực giúp chị em dân tộc thiểu số mạnh dạn hơn, dám ước mơ, dám khởi nghiệp.
Sinh ra và lớn lên dưới tán hồng, chị Vương Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã nông sản Toàn Thương (tỉnh Lạng Sơn) thấu hiểu nỗi vất vả của người dân trồng ra được quả hồng giòn ngọt nhưng phải chạy đua với nỗi lo được mùa mất giá, được giá mất mùa. Với trăn trở đó, chị đã bước ra khỏi “vùng an toàn” của mình để “bước chân” vào con đường khởi nghiệp.
Nhớ lại những ngày đầu làm hồng treo, chị Thương chia sẻ: “Quy trình làm hồng phải mất 20-25 ngày mới được một mẻ thành phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình đó thì thời tiết thay đổi, hồng bị mốc và rụng hết. Mẻ đó tôi làm một tấn nhưng hỏng hết, lãng phí bao công sức của mọi người khi vừa hỗ trợ gọt vỏ, vừa treo giàn. Lúc đó, ước mơ của tôi tưởng chừng gác lại thì chính người dân nơi đây đã động viên, tiếp thêm sức mạnh giúp tôi nghiên cứu lại quy trình chế biến”.
Một lần nữa không gục ngã trước khó khăn, với quyết tâm nâng tầm giá trị hồng vành khuyên quê nhà, chị Thương đã tìm hiểu và học kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến hồng treo gió. Đồng thời, chị áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất như: Sử dụng máy gọt vỏ, máy sấy, máy xử lý nhiệt... Ngoài ra, chị kết nối với các chuyên gia về bảo quản để có quy trình làm cho chất lượng sản phẩm tốt hơn.
Theo đuổi mục tiêu sản xuất sản phẩm hữu cơ, chị Thương tập hợp khoảng 10 hộ dân trong huyện cùng hai hợp tác xã mở rộng thêm 20ha trồng hồng hữu cơ. Chị mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng sản xuất với tổng diện tích hơn 1.000m2, gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh và nhiều thiết bị sản xuất khác.
Đến nay, ngoài xuất bán 500 tấn hồng tươi mỗi tháng khi vào mùa vụ, thì mỗi năm hợp tác xã còn cung cấp cho thị trường 500kg hồng vành khuyên treo gió. Mô hình đã tạo sinh kế cho hơn 100 lao động gián tiếp và hơn 30 phụ nữ Tày, Nùng tham gia sản xuất trực tiếp, có thêm thu nhập, làm chủ kinh tế gia đình.
Tại tỉnh Bắc Giang, sau một thời gian dài công tác tại xã Liên Chung, huyện Tân Yên, với vai trò cán bộ khuyến nông, nhận thấy giá trị của cây sâm Nam núi Dành - “sản vật quý” ở địa phương, chị Nguyễn Thị Kim Dung đã ấp ủ ý định phát triển và mở rộng diện tích, đưa cây trồng này trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu của người dân xã Liên Chung.
Báu vật núi Dành
Năm 2020, chị Kim Dung đã thành lập Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung với 17 thành viên để cùng nhau liên kết, sản xuất, đưa cây sâm Nam phát triển. Từ khi thành lập đến nay, với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã, cùng những kiến thức tự nghiên cứu, chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ và đem những kiến thức tích lũy được truyền lại cho các thành viên Hợp tác xã.
Nhờ đó, dự án khởi nghiệp “Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và thương mại hóa các sản phẩm từ sâm Nam núi Dành” của chị Kim Dung đã giành giải nhì chung kết toàn quốc cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023. “Các chị em trong Hội Phụ nữ đã hướng dẫn chúng tôi cách xây dựng một dự án khởi nghiệp, cách thuyết trình cũng như giúp đỡ các chị em trong Hợp tác xã tiếp cận với các nguồn vay”, chị Kim Dung cho biết.
Qua ba năm triển khai dự án, hợp tác xã do chị Kim Dung thành lập đã tạo việc làm thường xuyên cho 35 nữ công nhân, lao động mùa vụ cho hơn 200 lao động, giúp phụ nữ ở địa phương có thêm thu nhập, đồng thời nâng cao vai trò, vị thế của các chị trong việc chủ động làm kinh tế, góp phần giữ gìn gia đình ấm no, hạnh phúc.
Hơn sáu năm triển khai Đề án 939, 4/5 mục tiêu của đề án đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2025. Tất cả cán bộ Hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 18,2 triệu hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; gần 79 nghìn phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp...
Có thể nói, giúp phụ nữ tự tin khởi nghiệp là một trong những kết quả nổi bật mà Đề án 939 đạt được bởi mục tiêu chính đề án là thúc đẩy phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Chị Phạm Thị Thanh, Phó Trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp được Hội tổ chức hằng năm với mục đích phát hiện và khuyến khích những phụ nữ có ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp hay những tổ hợp tác, hợp tác xã mới thành lập để họ mạnh dạn, tự tin trên con đường khởi nghiệp.
Thực tiễn cho thấy, Đề án 939 đã mang lại giá trị lớn, là cơ chế để các cấp hội phụ nữ có thể vào cuộc giúp chị em nâng cao quyền năng về kinh tế, gần với chị em để lắng nghe, quan tâm đến việc khởi tạo ý tưởng, phát hiện ý tưởng khởi nghiệp.
Đồng thời, các cấp hội đã kết nối cộng đồng xã hội, góp phần hiện thực hóa ý tưởng cho chị em phụ nữ khởi sự kinh doanh. Nỗ lực bắt nhịp xu thế, tiếp cận với chuyển đổi, với thương mại điện tử, chị em khởi nghiệp đã vượt qua thử thách, hài hòa vai trò trong gia đình, tích cực phát triển kinh tế. Vượt qua định kiến giới, nhiều chị em phụ nữ tỏa sáng trên các diễn đàn doanh nhân, các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp xanh.