Phòng ngừa vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên

NDO - Những năm qua, nhiều hiện tượng bạo lực và tiêu cực xã hội xâm nhập vào các trường học, tác động mạnh đến môi trường sinh hoạt và học tập của các em học sinh. Năm 2012, xảy ra nhiều vụ việc học sinh, sinh viên gây gổ và tùy tiện mang theo hung khí tới lớp học và ký túc xá. Ðáng lưu ý là các vụ việc đánh nhau hội đồng, quay phim, đưa lên mạng in-tơ-nét, có trường hợp nghiêm trọng dẫn đến chết người, gây hoang mang dư luận.

Qua tìm hiểu các vụ việc học sinh gây gổ cho thấy, một trong những nguyên nhân chính khiến các em có hành vi bạo lực là do bị tác động mạnh từ phía bạn bè, của đám đông chung quanh. Kỷ cương, kỷ luật và công tác quản lý học sinh trong các trường học chưa thực hiện nghiêm. Một số biện pháp, giáo dục, rèn luyện đối với học sinh về đạo đức, lối sống, phẩm chất nặng về hình thức, thiếu tính thuyết phục, hiệu quả chưa cao. Do vậy, một trong những trọng điểm của việc phòng ngừa hành vi bạo lực trong học sinh, sinh viên là chủ động phòng ngừa vào những thời điểm các em có sinh hoạt tập thể, không có mặt thầy giáo, cô giáo, khi tụ tập đông mà kỷ luật lỏng lẻo. Ðặc biệt là trong thời gian các em được nghỉ Tết, đón Xuân Quý Tỵ sắp tới.

 Việc quản lý, giáo dục, bảo vệ các em trước hết thuộc về các bậc phụ huynh. Do vậy, các gia đình cần chú ý theo dõi và nắm bắt diễn biến tâm lý của con em mình, phát hiện sớm dấu hiệu các em tiếp cận với tiêu cực xã hội, bạo lực hay giao du với bạn bè xấu. Trên cơ sở đó, gia đình chủ động phối hợp nhà trường hay lực lượng công an thực hiện biện pháp giáo dục các em, chủ động phòng ngừa vi phạm, nghiêm khắc xử lý, chấn chỉnh những sai phạm của các em.

Trong dịp các em nghỉ Tết, nhà trường nên chủ động trao đổi ý kiến với phụ huynh để tổ chức cho các em sinh hoạt nhóm lành mạnh, có sự quản lý của các gia đình, có thể tổ chức cho các em tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, thăm hỏi, động viên, chúc Tết gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công... Hạn chế việc các em tụ tập tự phát, thiếu sự quan tâm, quản lý, giám sát của gia đình, nhà trường hoặc đoàn thể xã hội.

Kinh nghiệm quản lý và giáo dục các em nhiều năm qua cho thấy, công tác quản lý đạt hiệu quả cao khi thực hiện quản lý các em theo giờ giấc sinh hoạt của gia đình hằng ngày và quản lý việc các em sử dụng phương tiện giao thông. Ðối với các em học sinh cá biệt, gia đình và nhà trường cần tính toán, áp dụng các biện pháp giáo dục, quản lý chặt chẽ, cụ thể, có thể phối hợp lực lượng công an địa phương để có biện pháp phù hợp nhằm theo dõi, giám sát, cảm hóa, răn đe, ngăn chặn vi phạm về trật tự, an toàn giao thông và các vi phạm khác có thể xảy ra.

VÂN ANH (Nam Ðịnh)