Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm việc tại Bình Phước và Tây Ninh

NDO - Ngày 12/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các thành viên trong đoàn công tác đã có buổi làm việc tại tỉnh Tây Ninh và Bình Phước về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trong thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trong thời gian qua.

Theo đó, mặc dù chịu sự tác động của tình hình thế giới và trong nước, nhưng tỉnh Bình Phước đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I của Bình Phước ước tăng 7,6%, đứng thứ 17 cả nước. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp toàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 6,02% so cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp vẫn có những hạn chế, khó khăn: Một số doanh nghiệp bị giảm đơn đặt hàng, hàng tồn kho nhiều chưa xuất được, thiếu nguồn nguyên liệu, nhất là lĩnh vực giày da, may mặc, gỗ; ngành điều gặp khó khăn do giá điều nhân giảm, lượng hàng tiêu thụ giảm; mặt hàng thịt gà đông lạnh doanh số giảm do giá thị trường gà thịt đang xuống thấp, bán hàng chậm.

Bình Phước thu hút đầu tư trong nước được 11 dự án với số vốn là 2.732 tỷ đồng (bao gồm cấp mới và điều chỉnh vốn), đầu tư nước ngoài 9 dự án với số vốn là 69 triệu USD; có 389 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 178 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, 254 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, có 43 doanh nghiệp đăng ký giải thể. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Bình Phước đạt 1 tỷ 200 triệu USD, tăng 1,7% so cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu đạt 717 triệu USD, giảm 15,3% so cùng kỳ năm 2022.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã giao cho Bình Phước là 5.756 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 824 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 4.932 tỷ đồng. Tỉnh thực hiện giải ngân 4 tháng đầu năm 2023 là 1.180 tỷ đồng, đạt 15,9% so chỉ tiêu Chính phủ giao và đạt 20,5% so kế hoạch tỉnh giao; tỷ lệ giải ngân còn thấp, trong đó vốn ngân sách Trung ương đạt rất thấp, chỉ đạt 9,3% kế hoạch.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 12/15 khu công nghiệp với diện tích đã có quyết định cho thuê đất là 3.565ha đã đi vào hoạt động, thu hút được 379 dự án thứ cấp, đã thành lập 9 cụm công nghiệp phù hợp với quy định và quy hoạch phát triển công nghiệp của địa phương.

Hiện nay Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh, dự kiến tổng mức đầu tư là 25.987 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đang tích cực triển khai các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (đoạn qua Bình Phước 7km, dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là 1.470 tỷ đồng) và đường Đồng Phú-Bình Dương.

Tỉnh Bình Phước kiến nghị với Đoàn công tác của Chính phủ 10 nhóm nội dung liên quan đến khó khăn vướng mắc.

Tỉnh Bình Phước kiến nghị với Đoàn công tác của Chính phủ 10 nhóm nội dung liên quan đến khó khăn vướng mắc. Cụ thể: Phân bổ thêm đất phát triển công nghiệp đến năm 2030; điều chỉnh một số quy định trong luật xây dựng và luật đấu thầu; bỏ một số quy hoạch của Trung ương trên địa bàn tỉnh kéo dài đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; xin ý kiến vốn đầu tư đường cao tốc Đắk Nông-Chơn Thành; chính sách đất đai liên quan đến đầu tư cụm công nghiệp …

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đánh giá cao việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã có nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, phát triển kinh tế hạ tầng còn nhiều khó khăn. Do đó, tỉnh cần rà soát lại các cơ chế, giải pháp để phát hiện những điểm chưa phù hợp để điều chính.

Bình Phước cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh công nghiệp. Song song với đó, tỉnh cần phát triển giao thông nhất là các tuyến cao tốc, tuyến đường sắt kết nối vùng và khu vực.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bình Phước đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh công nghiệp. Để làm được điều này cần phát triển mạnh về hạ tầng công nghiệp, cải thiện chính sách thu hút đầu tư và tạo được nguồn nhân lực tốt. Song song với đó, tỉnh cần phát triển giao thông nhất là các tuyến cao tốc, tuyến đường sắt kết nối vùng và khu vực.

Đối với những kiến nghị của tỉnh Bình Phước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành cùng với tỉnh giải quyết. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền cần có báo cáo cụ thể để trình xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm việc tại Bình Phước và Tây Ninh ảnh 1

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh.

* Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng Đoàn công tác có buổi làm việc với Tỉnh ủy Tây Ninh. Báo cáo với Đoàn công tác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn trên địa bàn tỉnh quý I/2023 đạt mức tăng trưởng 2,21%, trong đó khu vực nông-lâm-thủy sản tăng 2,65%. Về sản xuất công nghiệp, trong tháng 4/2023, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 95 doanh nghiệp với vốn đăng ký là trên 371 tỷ đồng.

Về đầu tư công, đến hết 4/2023, Tây Ninh đã giải ngân 1.150 tỷ đồng, đạt 28,3% kế hoạch Thủ tướng giao. Về thu hút đầu tư nước ngoài, trong tháng 4/2023, tỉnh cấp mới 1 dự án với số vốn 17 triệu USD; lũy kế, cấp mới 6 dự án với số vốn thu hút 42 triệu USD.

Tính đến ngày 24/4/2023, trên địa bàn tỉnh có 354 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với vốn đăng ký là trên 9.139 triệu USD. Về kim ngạch xuất nhập khẩu, trong tháng 4/2023 đạt trên 497 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may, vải các loại, giày dép các loại. Kim ngạch nhập khẩu đạt trên 513 triệu USD.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo một số dự án đầu tư trọng điểm như dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài; dự án cao tốc Gò Dầu-Xa Mát; các dự án phát triển hạ tầng logistics…; đồng thời nêu một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành một số nội nội dung liên quan đến phát triển khu công nghiệp, các dự án điện mặt trời…

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà cả hệ thống chính trị Tây Ninh đã đạt được trong thời gian qua; trong đó đáng chú ý các hoạt động trên địa bàn đều duy trì và phát triển ổn định, sản xuất công nghiệp có chiều hướng phát triển tích cực, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội có nhiều khởi sắc, hoạt động thương mại, dịch vụ có những tín hiệu đáng mừng.

Tỉnh cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, hướng đến tháo gỡ những khó khăn để thu hút đầu tư, phát triển theo định hướng chung đúng tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là ở vùng biên giới; bên cạnh đó, quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị tỉnh chủ động nắm bắt tình hình, không để bị động, bất ngờ, nâng cao khả năng dự báo tác động, ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương, phản ánh chính sách phải nhanh, kịp thời, chủ động thích ứng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, hướng đến tháo gỡ những khó khăn để thu hút đầu tư, phát triển theo định hướng chung đúng tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là ở vùng biên giới; bên cạnh đó, quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong giải quyết các thủ tục hành chính; chấp hành nghiêm kỷ luật kỷ cương hành chính, tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực gắn với kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của người đứng đầu.