Sau khi nghe các bộ, ngành, cơ quan liên quan báo cáo, kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu trong các phương án đề xuất, Bộ Công thương phải làm rõ các giải pháp về kỹ thuật, tài chính, phân định rõ giữa tài sản và đất, các vấn đề liên quan pháp lý,... đồng thời phải căn cứ vào thực tế để đề xuất phương án cuối cùng cho Ban Chỉ đạo.
Phó Thủ tướng cho biết, trong 12 dự án yếu kém, Ban cán sự đảng Chính phủ đã trình Bộ Chính trị phương án xử lý 8 dự án. Ðối với bốn dự án còn lại (bột giấy Phương Nam; thép Lào Cai; thép Thái Nguyên; đóng tàu Dung Quất) thì dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam là khó khăn nhất. Tại cuộc họp này, các ý kiến đều thống nhất dừng thực hiện dự án. Ðể có phương án hiệu quả, đúng pháp luật, xử lý dứt điểm dự án này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương phối hợp địa phương và các cơ quan liên quan bàn thảo, phân tích, tính toán, đề xuất “phương án cuối cùng”. Ðối với việc xử lý dây chuyền, máy móc, trang thiết bị, phải tính toán kỹ lưỡng để đạt hiệu quả cao nhất có thể.
Ðối với tỉnh Long An, nếu dự án chấm dứt, thì tỉnh sẽ thu hồi và quản lý, sử dụng đất đai theo quy định của Luật Ðất đai và quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trước ngày 15/4/2023 phải trình Ban Chỉ đạo, để Ban Chỉ đạo trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; đồng thời nhấn mạnh tinh thần xử lý dự án phải theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng giữa các bên liên quan.