Mở đầu phiên giải trình với nhóm nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại biểu Hoàng Anh Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh nêu câu hỏi: Nguyên nhân nào dẫn đến diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh giảm qua các năm; giải pháp quản lý bảo vệ và nâng cao độ che phủ rừng?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Hồ Trọng Phương cho biết, toàn tỉnh hiện có tổng diện tích rừng tự nhiên hơn 106.712ha. So 10 năm trước, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh giảm gần 3.000ha.
Nguyên nhân diện tích rừng tự nhiên trong tỉnh giảm chủ yếu là do phá rừng, cháy rừng, sạt lở đất; sai sót trong xác định nguồn gốc rừng, thực tế rừng trồng nhưng cập nhật vào cơ sở dữ liệu là rừng tự nhiên; chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác...
Quang cảnh phiên giải trình. |
Để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo đảm giữ vững tỷ lệ che phủ rừng ổn định 52%, đồng chí Hồ Trọng Phương cho biết, thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với nhiều giải pháp như: Tăng cường tuần tra, truy quét bảo vệ rừng, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền với nội dung và hình thức phong phú, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm gây thiệt hại tài nguyên rừng, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ và phát triển rừng trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó, tiếp tục giữ vững ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.
Trước thực trạng nguồn nước ngầm trên huyện đảo Lý Sơn ngày càng suy giảm nghiêm trọng, các đại biểu đặt vấn đề cần phải có giải pháp mang tính bền vững nhằm bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương giải trình công tác quản lý, bảo vệ rừng; vấn đề cung cấp nước sinh hoạt cho người dân đảo Lý Sơn. |
Giải trình vấn đề này, đồng chí Hồ Trọng Phương thông tin, hiện các công trình cấp nước trên huyện đảo chỉ đáp ứng khoảng 30% so nhu cầu. Trước thực tế này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng nước hết sức tiết kiệm, tránh lãng phí nước do công tác quản lý, vận hành gây ra; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm với phương châm “mỗi giọt nước là mỗi giọt vàng đối với người dân huyện đảo”; khuyến khích các nhóm hộ dân có điều kiện về kinh tế liên kết lại để đầu tư các bể trữ nước mưa (dạng bạt không thấm, quy mô chứa từ 10m3 đến 50m3) để dùng cho sinh hoạt, góp phần hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm trong quá trình sử dụng nước. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn sớm đưa vào khai thác, sử dụng để bổ sung nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân.
Về giải pháp lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét ưu tiên đầu tư dự án hệ thống thu gom nước mặt và bể trữ nước tập trung huyện đảo Lý Sơn, quy mô trữ 1 triệu m3 vào trong các chương trình, dự án cụ thể của Trung ương để thực hiện Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đối với nhóm vấn đề an ninh trật tự, đại biểu Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh nêu tình trạng mua bán chất ma túy ngày càng nhiều. Vậy nguyên nhân do đâu, trách nhiệm của ngành Công an và các cơ quan có liên quan đối với vấn đề trên như thế nào và giải pháp trong thời gian tới?
Đại biểu Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh nêu thực trạng mua bán ma túy trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng và giải pháp nào để phòng ngừa, đẩy lùi tệ nạn này. |
Giải trình câu hỏi trên, đại tá Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh gia tăng cả số vụ lẫn đối tượng. Phương thức, thủ đoạn hoạt động không mới nhưng tinh vi, xảo quyệt hơn. Nổi lên là hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp chủ yếu qua xe khách, xe tải, nguồn cung từ các tỉnh Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Để tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trong thanh, thiếu niên, Công an toàn tỉnh đã chủ động nhận diện, kịp thời triển khai các biện pháp đấu tranh, giải quyết điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Qua đó, phát hiện, xử lý 186 vụ, 286 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy (tăng 40 vụ so cùng kỳ năm 2023).
Đề cập giải pháp trong thời gian tới, Đại tá Hoàng Anh Tuấn cho biết, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của ma túy, ngành Công an tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động thực hiện tốt công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng; kịp thời triển khai các biện pháp công tác đấu tranh, triệt phá đường dây, băng, nhóm hoạt động tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời, ngành Công an tập trung chỉ đạo triệt xóa điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy mới phát sinh không để lây lan, gây bức xúc trong nhân dân; chủ động lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhằm kiềm chế phát sinh người nghiện mới, người sử dụng trái phép chất ma túy; phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử lưu động các vụ án về ma túy nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm.
Đại tá Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi giải trình liên quan đến nhóm vấn đề an ninh trật tự. |
Tại phiên giải trình, lãnh đạo các sở và địa phương liên quan cũng đã giải đáp cụ thể những vấn đề các đại biểu đặt ra như: vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; việc chuyển mục đích sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân (từ đất nông nghiệp, đất phi nông không phải là đất ở sang đất ở); việc chậm giải quyết thủ tục hành chính về đất đai; vấn đề ô nhiễm môi trường biển, ô nhiễm môi trường tại một số cụm công nghiệp; những khó khăn, bất cập trong công tác triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm; giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thời gian đến; tình hình thực hiện và kết quả giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững..
Phát biểu tại phiên giải trình, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đánh giá cao tinh thần làm việc tập trung, quyết liệt, tâm huyết, thẳng thắn, cầu thị, mang tính xây dựng cao của các đại biểu; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trên cơ sở chuấn bị chu đáo, kỹ lưỡng đã giải trình làm rõ những vấn đề “nóng” thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành và phối hợp thực hiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, kỳ vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh.
“Thông qua hoạt động chất vấn, giải trình nhiều Giám đốc sở, ngành có cơ hội giải trình minh bạch các nhiệm vụ, cách thức tổ chức thực hiện, nhận diện rõ hơn những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi, không ngừng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc khắc phục hạn chế, tồn tại. Những kết quả này tiếp tục khẳng định chất vấn, giải trình của Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch và là một khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh.