Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HÐND thành phố và các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 32 phiên giải trình với nhiều nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến các vấn đề người dân bức xúc như: Quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai, việc thực hiện quy tắc ứng xử... Các đại biểu khẳng định, việc tổ chức phiên giải trình giữa hai kỳ họp là hoàn toàn cần thiết nhằm phát huy vai trò giám sát của HÐND các cấp. Ðể nâng cao chất lượng phiên giải trình, các ý kiến cho rằng cần lựa chọn đúng, trúng nội dung cử tri và dư luận quan tâm, các vấn đề nóng. Ðồng thời chuẩn bị sớm, tiến hành giám sát, khảo sát và cần xây dựng các vi-đê-ô clip liên quan tới nội dung giải trình. Sau phiên giải trình, Thường trực HÐND cần sớm ban hành kết luận, đôn đốc, giám sát thực hiện. Nhân dịp này, các quận, huyện đề nghị cần có chế tài xử lý các đơn vị không thực hiện kiến nghị của Thường trực HÐND.
Vui Tết Ðộc lập ở Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam
Từ ngày 31-8 đến 30-9, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) tổ chức chương trình "Vui Tết Ðộc lập" nhằm tôn vinh, giới thiệu những nét văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Làng Văn hóa sẽ tái hiện không gian "Chợ phiên vùng cao xứ Lạng" mang đậm mầu sắc văn hóa tỉnh Lạng Sơn; tổ chức biểu diễn nghệ thuật múa sư tử, mèo của dân tộc Nùng; tái hiện Lễ cưới của dân tộc Nùng và Lễ Giải hạn nối số của dân tộc Mông. Khoảng 220 người gồm đồng bào các dân tộc thiểu số, các nghệ sĩ, diễn viên, sinh viên... tham gia trình diễn. Ðây là hoạt động dự kiến sẽ thu hút đông đảo người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận tới vui chơi nhân dịp nghỉ lễ 2-9.
Kéo dài thời gian hoạt động phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm
UBND quận Hoàn Kiếm vừa thông báo kéo dài thời gian hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9. Cụ thể, không gian đi bộ tại đây sẽ tổ chức từ 19 giờ ngày 31-8 đến 24 giờ ngày 3-9 với nhiều chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí, phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô và cả nước trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh.
Thành lập mới hơn 16.400 doanh nghiệp
Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới hơn 16.400 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 180 nghìn tỷ đồng (tăng 0,2% về số lượng và tăng 41% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017), nâng tổng số doanh nghiệp của TP Hà Nội lên 246.600 doanh nghiệp. Thu hút đầu tư nước ngoài trong tháng 8 đạt 95 triệu USD. Tính chung tám tháng qua, thành phố thu hút 6.264 triệu USD, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2017. Về thu hút đầu tư trong nước, tính đến ngày 20-8, thành phố có quyết định chủ trương đầu tư 64 dự án với tổng số vốn gần 160 nghìn tỷ đồng; điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư 58 dự án, trong đó điều chỉnh vốn cho 37 dự án với tổng số vốn tăng là 86 nghìn tỷ đồng.
Phấn đấu 70% số người trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/TU, thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).
Theo đó, đến năm 2021, thành phố phấn đấu đạt khoảng 40% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, đến năm 2025 có khoảng 50% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH và đạt khoảng 70% đến năm 2030. Thành phố đưa ra các giải pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu là tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của nhân dân, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng kế hoạch, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn của thành phố để triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết số 28-NQ/TW.