Phát triển vùng châu thổ Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

NDO - Ngày 24/9, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo "Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long".
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các biện pháp can thiệp chính trong khung tích hợp và cơ chế điều phối để giúp đồng bằng sông Cửu Long tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu. Trọng tâm là khắc phục những khó khăn, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp gắn với vai trò trung tâm của nông dân trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với điều kiện bất thường của thời tiết.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Đồng bằng sông Cửu Long cần chuyển sang trạng thái, cách tiếp cận tích cực hơn trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là việc chung của cả đồng bằng chứ không phải chuyện riêng lẻ của từng tỉnh trong vùng.

Trên cơ sở quy hoạch tích hợp vùng đã được Chính phủ phê duyệt, ngành nông nghiệp và các địa phương cần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng trong lĩnh vực thủy sản và cây ăn trái, giảm lúa gạo nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực và thu nhập người nông dân.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết: Ngân hàng Thế giới đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó tập trung vào hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trồng rừng ngập mặn ven biển gắn với tạo sinh kế cho người dân.

Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ nâng cấp 470 km bờ bao và xây dựng 192 cống các loại nhằm bảo đảm ổn định sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu, bảo vệ 27 km bờ biển, đồng thời rà soát và nâng cấp đai rừng ngập mặn ven biển với tổng chiều dài 50 km.

Xây dựng một trạm trung tâm thu nhận số liệu từ các trạm quan trắc và lắp đặt các thiết bị quan trắc lưu lượng, chất lượng nước, mực nước và độ mặn cho 20 trạm quan trắc nhằm cung cấp số liệu liên tục và cập nhật về các đặc trưng, diễn biến tài nguyên

Ngân hàng Thế giới tiếp tục phát triển một dự án mới ở đồng bằng sông Cửu Long nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước và xây dựng sinh kế nông nghiệp trong thời kỳ biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững của vùng.