Phát triển mô hình và nguồn nhân lực du lịch canh nông

NDO - Trong thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch nông thôn đã hình thành ở nhiều địa phương, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, dựa trên thế mạnh, đặc sắc của mỗi địa phương và sự đa dạng các sản phẩm du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Du lịch canh nông thu hút sự quan tâm của du khách, dựa trên thế mạnh, đặc sắc của mỗi địa phương.
Du lịch canh nông thu hút sự quan tâm của du khách, dựa trên thế mạnh, đặc sắc của mỗi địa phương.

Du lịch canh nông góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Chia sẻ tại hội nghị Phát triển mô hình và nguồn nhân lực du lịch canh nông, diễn ra vào chiều 14/4 tại tỉnh Yên Bái, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, khẳng định: Du lịch nông thôn là chương trình phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Trong giai đoạn vừa qua, với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực và chủ động của các địa phương, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được những thành tựu to lớn.

Bên cạnh sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng kinh tế xã hội, kinh tế nông thôn cũng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Đến nay, cả nước đã có 6.001 xã (chiếm 73.08%) đạt chuẩn NTM (trong đó có 1.043 xã đạt NTM nâng cao và 130 xã đạt NTM kiểu mẫu); 255 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 18 đơn vị cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM.

Phát triển mô hình và nguồn nhân lực du lịch canh nông ảnh 1

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị.

Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta đã triển khai rất hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát huy thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa của các địa phương. Đặc biệt là các địa phương còn nhiều khó khăn về phát triển sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung, nhưng lại có sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và văn hoá đặc trưng…

Tính đến ngày 28/2, đã có 9.167 sản phẩm của 4.703 chủ thể OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,9% sản phẩm 3 sao, 33,2% sản phẩm 4 sao và 20 sản phẩm 5 sao. Đặc biệt đã có hơn 80 sản phẩm OCOP thuộc nhóm Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Trên cơ sở kết quả này cho thấy sự năng động, sáng tạo của các chủ thể, các địa phương và sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều hội nghị, hội thảo để định hướng thúc đẩy phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Còn nhiều hạn chế trong quy hoạch du lịch canh nông

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định: Du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác quy hoạch, định hướng các mô hình phát triển, tiêu chí để đánh giá chất lượng, năng lực quản lý mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Phát triển mô hình và nguồn nhân lực du lịch canh nông ảnh 3

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển du lịch nông thôn cho người dân. Cụ thể, cần hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thông qua các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền định hướng, nâng cao nhận thức cho người dân khai thác du lịch nông thôn. Giúp người dân xác định được động lực trong triển khai các mô hình kinh doanh du lịch, trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan, môi trường.

Các đại biểu cho rằng, cần để người dân nhận thức được du lịch là một ngành nghề có lợi thế phát triển tại địa phương và nếu được đào tạo sẽ đem lại thu nhập tốt hơn, bền vững hơn mà không phải “ly nông”, “ly hương”.

Định hướng cho lực lượng lao động nông thôn chủ động tham gia các hoạt động đào tạo du lịch, đặc biệt là tầng lớp thanh niên nông thôn tham gia các chương trình đào tạo nghề du lịch dài hạn tại các trường du lịch chuyên nghiệp sau đó quay trở về phục vụ hoạt động du lịch tại nơi họ sinh sống.