Tin vắn

Nông dân Bắc Hà thu hơn 27 tỷ đồng từ trồng rau an toàn
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà (Lào Cai) hướng dẫn người dân chăm sóc rau an toàn. (Ảnh KIM THOA)
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà (Lào Cai) hướng dẫn người dân chăm sóc rau an toàn. (Ảnh KIM THOA)

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), từ đầu năm đến nay, người dân trồng được hơn 250 ha rau an toàn gồm: Cải bắp, su hào, cải thảo, cải xoăn, rau đậu Hà Lan, ngũ gia bì, dưa chuột, rau gia vị các loại... Diện tích rau được trồng chủ yếu tại các xã Lùng Phình, Na Hối, Nậm Mòn, thị trấn Bắc Hà…

Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, sản lượng rau tăng cao, ước đạt 1.800 tấn, mang lại cho nông dân nguồn thu hơn 27 tỷ đồng. Sản lượng rau của huyện Bắc Hà chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh (khoảng 70%), một phần xuất bán cho thị trường các địa hương khác.

Hơn tám tỷ đồng hỗ trợ phát triển làng nghề

Thành phố Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) có 33 làng nghề, làng nghề truyền thống, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chè, mộc mỹ nghệ, mây tre đan. Giai đoạn 2021-2024, từ nguồn ngân sách địa phương, thành phố đã dành hơn tám tỷ đồng hỗ trợ các làng nghề phát triển sản xuất: Trồng mới gần 140 ha chè trong các làng nghề, với số tiền 1,6 tỷ đồng; xây dựng điểm tưới tiết kiệm 350 ha chè, với kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng; chứng nhận VietGAP cho cây chè trên 250 ha với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn quỹ khuyến công của tỉnh, một số cơ sở sản xuất trong làng nghề chè, mộc mỹ nghệ được hỗ trợ máy móc, thiết bị, với kinh phí hơn hai tỷ đồng.

Tuyên Quang cấp mã số vùng trồng cho rừng

Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam (VAFS) vừa phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang trao chứng nhận cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm nghiệp Yên Sơn. Mã số được cấp có diện tích 1 ha, trồng thuần keo lai từ năm 2022, thuộc vùng trồng rừng nguyên liệu Ðội 821, xã Ðạo Viện (huyện Yên Sơn).

Thông tin về tọa độ vùng trồng được xác định chính xác bởi Hệ thống iTwood và Chi cục Kiểm lâm tỉnh chứng nhận. Ðây là mã số vùng trồng rừng đầu tiên cấp cho chủ rừng tại Việt Nam, thuộc khuôn khổ chương trình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thí điểm tại năm tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái.

Thông xe cầu Hòa Sơn nối Bắc Giang-Thái Nguyên

Cầu Hòa Sơn vượt sông Cầu nằm trên địa phận xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và phường Ðông Cao, thành phố Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) vừa được thông xe. Công trình xây dựng đường và cầu Hòa Sơn kết nối huyện Hiệp Hòa với thành phố Phổ Yên được triển khai từ năm 2021, tổng kinh phí đầu tư hơn 540 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Công trình do Ban Quản lý dự án Ðầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, gồm các hạng mục: Xây mới cầu và đường dẫn lên cầu.

Tin vắn ảnh 1

Cầu Hòa Sơn (Bắc Giang) vừa được thông xe. (Ảnh Minh Linh)

Nâng cao giá trị kinh tế từ cây bưởi

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ vừa phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Ðoan Hùng tổ chức Hội thảo trao đổi về giải pháp nâng cao giá trị cho cây bưởi. Nhiều ý kiến tại hội thảo tập trung nêu các giải pháp tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm bưởi thông qua các trang thương mại điện tử, mạng xã hội; các giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị của cây bưởi cũng như cách chế biến các sản phẩm từ bưởi như làm mứt vỏ bưởi; tinh dầu bưởi; rượu bưởi, chè bưởi…

Tính đến hết năm 2023, tổng diện tích trồng bưởi trên toàn tỉnh Phú Thọ đạt khoảng 5.600 ha; sản lượng trung bình đạt khoảng 18.000 tấn/năm. Toàn tỉnh xây dựng được 161 vùng trồng bưởi tập trung với tổng diện tích đạt 2.650 ha; có 162 cơ sở với tổng diện tích 1.742 ha được cấp mã số vùng trồng…

Thành phố Cao Bằng có 54 cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề, làng nghề nông thôn

Theo báo cáo của thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng), thành phố hiện có 54 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề, làng nghề nông thôn, trong đó có 23 cơ sở chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; chín cơ sở sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 19 cơ sở dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn; một cơ sở sản xuất, kinh doanh cây cảnh sinh vật cảnh.

Tổng doanh thu đạt hơn 41 tỷ đồng, trong đó chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 30 tỷ đồng. Tạo việc làm cho 216 lao động với thu nhập từ 4-5,5 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2024, UBND thành phố xây dựng, lập hồ sơ và được công nhận Làng nghề tỉnh đối với Làng nghề trồng đào cảnh xóm Nam Phong 2, xã Hưng Ðạo.