Du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Bắc Ninh

Trong những năm qua, Bắc Ninh không chỉ là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, mà còn có sự chuyển mình mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực khác, nhất là khai thác các thế mạnh, tiềm năng về du lịch. Cùng với sự phong phú, đa dạng của các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề cũng đang được xem là nguồn tài nguyên mới của ngành công nghiệp không khói nơi đây.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các đơn vị lữ hành của Bắc Ninh trải nghiệm thực tế trang trại nông nghiệp công nghệ cao Delco Farm (huyện Thuận Thành).
Đại diện các đơn vị lữ hành của Bắc Ninh trải nghiệm thực tế trang trại nông nghiệp công nghệ cao Delco Farm (huyện Thuận Thành).

Những năm qua, Bắc Ninh đã xây dựng thành công các sản phẩm du lịch gắn với khai thác di sản văn hóa, di tích lịch sử, tâm linh. Đồng thời, tăng cường hoạt động kết nối, hợp tác với các địa phương trong cả nước; đăng cai tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quy mô quốc gia, quốc tế để thu hút du khách. Song song với đó, địa phương cũng khởi động các giải pháp kích cầu mảng kinh tế xanh, hình thành các điểm du lịch dựa trên khai thác thế mạnh của ẩm thực, làng nghề và nông nghiệp,...

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Cùng với những nét đẹp văn hóa phong phú và đa dạng, Bắc Ninh còn được biết đến là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống (62 làng), tạo ra các sản phẩm tinh xảo, có tính mỹ thuật cao. Tiêu biểu như: Làng tranh dân gian Đông Hồ; đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê, Đồng Kỵ, Hương Mạc, Tam Sơn; gốm Phù Lãng; đồng Đại Bái; tre trúc Xuân Lai,... Ngoài tạo việc làm và mang lại giá trị kinh tế cao, các làng nghề còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và là tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng.

Đối với nông nghiệp, điểm bất lợi của Bắc Ninh là diện tích canh tác hạn chế cho nên địa phương tập trung hướng vào phát triển là nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 35-40% tổng giá trị toàn ngành.

Theo quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị Bắc Ninh đến năm 2045, nông nghiệp được xác định là vùng dự trữ năng lượng, là vùng đệm cho kinh tế phát triển bền vững. Từ định hướng đó, nhiều giải pháp về quy hoạch, ban hành các chính sách hỗ trợ đã được triển khai và đi vào cuộc sống.

Theo thống kê, trên địa bàn Bắc Ninh hiện có 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 160ha, trong đó, 29 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính. Đồng thời, toàn tỉnh hiện có 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (59 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Đặng Công Hưởng cho rằng, đây cũng là nguồn tài nguyên quan trọng để Bắc Ninh khai thác, phát triển du lịch nông nghiệp. “Tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị, địa phương và nhất là các chủ thể OCOP, để xây dựng một thương hiệu về OCOP du lịch trên địa bàn, gắn với các làng nghề và các cơ sở văn hóa đã được Nhà nước công nhận”, ông Hưởng nhấn mạnh.

Làm mới tài nguyên du lịch

Từ những tiềm năng của các làng nghề, thời gian qua, Bắc Ninh đã quan tâm, khai thác để phát triển du lịch. Đã hình thành những điểm du lịch làng nghề được du khách yêu thích là: Làng tranh Đông Hồ (huyện Thuận Thành), gốm Phù Lãng (huyện Quế Võ), đúc đồng Đại Bái (huyện Gia Bình), làng mây tre đan Xuân Lai (Gia Bình), làng chạm khắc gỗ Phù Khê (Từ Sơn), làng sơn mài Đình Bảng (Từ Sơn)...

Đến nơi đây, du khách không chỉ thấy tận mắt và tìm hiểu cách thức sản xuất, mà còn được trực tiếp tham gia vào quá trình làm sản phẩm, tìm hiểu cuộc sống của cư dân và đặc sắc văn hóa ở từng địa phương. Mặt khác, kết hợp khám phá cảnh quan, nghỉ ngơi, thưởng thức ẩm thực làng quê và mua sắm đồ lưu niệm.

Hiện nay, Bắc Ninh cũng đẩy mạnh xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, lấy sản phẩm từ nông nghiệp làm sản phẩm du lịch đặc thù. Đơn cử như tại sự kiện Festival “Về miền quan họ 2023” vừa qua, tỉnh đặt một khu vực trưng bày, giới thiệu, quảng bá 93 sản phẩm OCOP, hàng chục sản phẩm thủ công, mỹ nghệ tiêu biểu.

Thông qua đây, du khách có thể tiếp cận với các nông sản, thủ công mỹ nghệ chất lượng của tỉnh, tạo cơ hội liên kết cung cầu; đưa sản phẩm tinh hoa của địa phương ngày càng lan tỏa, vươn xa.

Đối với nông nghiệp, ngành du lịch Bắc Ninh đã tổ chức cho các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn và thuyết minh viên đến khảo sát trang trại nông nghiệp công nghệ cao Delco Farm tại xã Nguyệt Đức (huyện Thuận Thành), để phát triển du lịch nông nghiệp. Được khởi công từ cuối năm 2016, Delco Farm có 100% thiết kế, xây dựng, phần mềm giám sát, điều khiển tự động… dựa trên ứng dụng các kỹ thuật thông minh.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phụ trách trang trại cho biết: “Trên diện tích 6,3ha, Delco dành 2ha mặt nước nuôi thả cá, 2 khu chăn nuôi gà đẻ trứng, quy mô 1.200m2/khu chăn nuôi 45 nghìn con, 5 nhà kính trồng dưa lưới Nhật Bản, dưa lê Hàn Quốc, dưa Hoàng Kim; 1.500m2 nhà kính trồng các loại rau theo phương pháp thủy canh”.

Việc xây dựng các tour du lịch trải nghiệm sinh thái, trồng cây, thả cá, chăn nuôi,... là những trải nghiệm thú vị đối với du khách. Ngoài Delco Farm, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao như: Mô hình trồng tía tô trong nhà kính tại Lương Tài; rau an toàn Ngăm Mạc (Gia Bình), Liêm Anh (Tiên Du); hay Trung tâm Sản xuất thực nghiệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh cũng tại huyện Tiên Du, với các sản phẩm như nấm, dược liệu, lan hồ điệp, đông trùng hạ thảo, tảo xoắn...

Theo Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh) Nguyễn Xuân Côn: “Dưới góc nhìn của người làm du lịch, chúng tôi nhận thấy tín hiệu khả quan và tổ chức cho các đơn vị kinh doanh lữ hành, nhà hàng, khách sạn, cùng đội ngũ thuyết minh viên trong tỉnh đến khảo sát, tham quan tại một vài trang trại tiêu biểu, qua đó, giúp họ tiếp cận thêm một sản phẩm du lịch mới của tỉnh”.

Có thể thấy, Bắc Ninh đã khai thác hiệu quả du lịch làng nghề, và có những bước đi tích cực trong việc hình thành các điểm du lịch gắn với sản phẩm OCOP và nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái. Để không ngừng phát triển và nâng cao hiệu quả loại hình du lịch này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp; thu hút nhiều doanh nghiệp lữ hành tham gia; nâng cao cơ sở hạ tầng, kỹ thuật...

Nếu phát triển đúng hướng, du lịch nông nghiệp không chỉ thu hút khách du lịch đến Bắc Ninh mà còn gia tăng được giá trị của nông sản địa phương.