Phát triển cây công nghiệp chiến lược tại Điện Biên

NDO -

Cây mắc-ca đã khẳng định giá trị hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường rừng và đặc biệt ý nghĩa về an sinh xã hội khi tạo ra nhiều việc làm ở vùng sâu vùng xa, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tăng thu nhập.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham gia trồng vườn cây mắc-ca tại xã Nà Nhạn (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham gia trồng vườn cây mắc-ca tại xã Nà Nhạn (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Đó là sự ghi nhận của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi dự lễ phát động trồng cây hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển cây công nghiệp chiến lược trên địa bàn tỉnh Điện Biên mới đây.

Phấn đấu mục tiêu “thủ phủ mắc-ca”

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô, triển khai Đề án trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, Điện Biên phê duyệt kế hoạch triển khai và đặt mục tiêu, đến hết năm 2025 sẽ trồng được hơn 3,8 triệu cây xanh; gắn mục tiêu trồng cây để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xóa đói giảm nghèo.

Sau nhiều năm nghiên cứu và khảo nghiệm thực tế, tỉnh Điện Biên và Hiệp hội mắc-ca Việt Nam chọn mắc-ca là loại cây trồng chủ lực để thực hiện mục tiêu trên và mắc-ca cũng được coi là cây có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân.

Thực hiện Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển bền vững mắc-ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Điện Biên đặt mục tiêu trở thành “thủ phủ cây mắc-ca" ở Việt Nam và thế giới. Đến nay, Điện Biên chấp thuận chủ trương đầu tư 10 dự án trồng mắc-ca của 9 doanh nghiệp với quy mô trồng 62.782ha.

Các dự án được chấp thuận đầu tư theo mô hình hỗn hợp, một phần diện tích (50-60%) do nhà đầu tư trực tiếp trồng chăm sóc, một phần diện tích (40-50%) thực hiện theo hình thức liên kết với người dân có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua hợp tác xã.

“Mô hình này bảo đảm hài hòa về mặt lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, thời gian ban đầu thực hiện, người dân còn có những băn khoăn, thắc mắc nhưng khi đã hiểu, lợi ích chính đáng được bảo đảm thì các dự án nhận được sự ủng hộ rất cao. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới hơn 4.000ha mắc-ca theo hình thức liên kết này”, ông Lê Thành Đô nhấn mạnh.

Phát triển cây công nghiệp chiến lược tại Điện Biên -0
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Hiệp hội mắc-ca Việt Nam Dương Công Minh tham quan mô hình trồng mắc-ca cho doanh thu hàng tỷ đồng tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Để mắc ca phát triển bền vững

Ngay sau lễ ra quân trồng cây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã trồng vườn cây mắc-ca tại bản Nà Nọi, xã Nà Nhạn (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) theo mô hình liên kết giữa nông dân với Công ty cổ phần Liên Việt Điện Biên.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, diện tích cây mắc-ca phát triển mạnh ở Điện Biên, Lai Châu và Tây Nguyên những năm gần đây khẳng định được hiệu quả kinh tế, đặc biệt là ý nghĩa về an sinh xã hội khi tạo ra nhiều việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Thành công của cây mắc-ca đã khẳng định đây là cây đa mục tiêu, là cây rừng rất có ý nghĩa về môi trường Việt Nam chứ không phải là cây ăn trái ngắn hạn.

Trồng mắc-ca để xóa đất trống, đồi núi trọc khi diện tích này là rất lớn, cả nước vẫn còn khoảng 3 triệu ha. “Cây mắc-ca được Chính phủ xây dựng đề án chiến lược phát triển, đây là cơ sở để các địa phương đẩy mạnh, thu hút đầu tư mở rộng diện tích trồng mắc-ca”, Chủ tịch nước lưu ý thêm.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất trồng mắc-ca phải làm chắc chắn trên cơ sở khoa học, thực tiễn nhu cầu thị trường, nhu cầu bảo vệ môi trường sinh thái để xóa đất trồng đồi trọc. Đây là vấn đề rất lớn của Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Bắc.

Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hiệp hội mắc-ca Việt Nam và các địa phương, doanh nghiệp phải phối hợp nghiên cứu nâng cao chất lượng cây giống, không để cây giống không tốt ảnh hưởng đến năng suất chất lượng; tăng cường kiểm soát để người dân tiếp cận được cây giống tốt với giá cả hợp lý.

“Các địa phương phát triển cây mắc-ca thành vùng tập trung là chính, có thể kết hợp xen canh nhưng chú trọng đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ; xây dựng mã số quản lý vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để quản lý chất lượng. Các doanh nghiệp đầu tư vào cây mắc-ca phải tính toán phát triển công nghệ chế biến để sản phẩm phải đa dạng chứ không chỉ có hạt khô như hiện nay”, Chủ tịch nước gợi ý. 

Đồng thời, Chủ tịch nước cũng cho rằng, để mắc-ca phát triển bền vững thì phải thu hút nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế và các chính sách này phải do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, Hiệp hội mắc-ca Việt Nam nghiên cứu đề xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng, chế biến mắc-ca.

Hiệp hội mắc-ca Việt Nam cần phối hợp các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu, đồng thời là cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa các hộ dân và doanh nghiệp trong phát triển cây mắc-ca theo chuỗi, hỗ trợ vay vốn, cung ứng dịch vụ để phát triển cây mắc-ca hiệu quả và bền vững.

Phát triển cây công nghiệp chiến lược tại Điện Biên -0
 Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt kiểm tra dự án trồng cây mắc-ca tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

Năm 2030, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu mắc-ca đạt 400 triệu USD

Theo Đề án phát triển bền vững mắc-ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu sản lượng mắc-ca qua chế biến của cả nước đạt khoảng 130 nghìn tấn hạt vào năm 2030, khoảng 500 nghìn tấn năm 2050. Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mắc-ca đạt khoảng 400 triệu USD vào năm 2030, khoảng 2,5 tỷ USD năm 2050. Đến năm 2030, phấn đấu tổng diện tích mắc-ca cả nước đạt 130-150 nghìn ha, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc (chủ yếu tại Điện Biên, Lai Châu) khoảng 75-95 nghìn ha, vùng Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum) khoảng 45 nghìn ha,…