Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).
Phát biểu khai mạc, Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh cho biết, các quốc gia trên thế giới, nhất là những nền kinh tế lớn đã và đang điều chỉnh chiến lược công nghiệp của mình để thích ứng với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 với trọng tâm là chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ cao nhằm tận dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Ngoài ra, những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên và yêu cầu cấp bách về phát triển bền vững đang tạo ra áp lực to lớn lên các quốc gia, đặc biệt là những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Nhanh chóng hình thành 9 ngành công nghệ ưu tiên tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia
Trong bối cảnh đó, việc thích ứng và giảm nhẹ tác động đối với các nền kinh tế không chỉ phụ thuộc vào chính sách môi trường của các quốc gia, mà còn phụ thuộc vào năng lực phát triển các ngành công nghiệp mới nhằm tạo động lực cho quá trình thích ứng và giảm nhẹ tác động.
Công bố kết quả nghiên cứu Chính sách công nghiệp quốc gia: Một số xu hướng mới và tầm nhìn cho Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết, khung pháp lý về chính sách công nghiệp tại Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện.
Trong đó, nhóm chính sách về công nghệ cao đã đạt được một số kết quả như các chính sách thu hút đầu tư vào công nghệ cao có nhiều tín hiệu tích cực, số lượng doanh nghiệp tham gia và cung ứng tăng mạnh, giá trị xuất khẩu nhóm hàng công nghệ-điện tử có tổng doanh thu cao nhất...
Tuy nhiên, vẫn còn thiếu chính sách huy động vốn cho công nghệ cao; tổ chức hoạt động công nghệ cao ở Việt Nam còn ít và quy mô nhỏ, môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, vướng mắc và chưa có các chính sách, chương trình, dự án, hoạt động hiệu quả.
Từ thực trạng này, Nhóm nghiên cứu CIEM đã đưa ra những kiến nghị chính sách cụ thể về nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; phát triển cơ sở hạ tầng; kiến nghị hoàn thiện chính sách và khung pháp lý; hợp tác quốc tế; phát triển bền vững.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, việc xây dựng và triển khai chính sách công nghiệp quốc gia hiệu quả không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn mang tính chiến lược lâu dài.
Chính sách công nghiệp ngày nay không chỉ giúp định hướng và tạo động lực cho phát triển các ngành kinh tế riêng lẻ, mà còn phải tạo dựng động lực mới để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và tăng cường mức độ và hiệu quả tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Báo cáo Chính sách công nghiệp quốc gia: Một số xu hướng mới và tầm nhìn cho Việt Nam” có ba mục tiêu chính: Phân tích cơ sở lý luận và các xu hướng chính sách công nghiệp quốc gia trên thế giới; đánh giá mức độ thích ứng với các xu hướng mới của chính sách công nghiệp tại Việt Nam; đề xuất tầm nhìn mới và các khuyến nghị chính sách nhằm phát triển công nghiệp quốc gia bền vững và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh mới.
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng nâng cao hàm lượng công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung phát triển các ngành kinh tế trọng điểm như công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu và các lĩnh vực gắn với công nghệ số sẽ tạo nền tảng đột phá cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cải cách thể chế và chính sách trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Việc rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế từ các xu hướng phát triển mới, từ các hiệp định thương mại tự do và ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên.
Ngoài ra, báo cáo cũng phân tích các định hướng, yêu cầu chính sách công nghiệp nhằm tháo gỡ những vấn đề “cố hữu” của Việt Nam như năng suất lao động còn thấp, khả năng phát triển công nghệ hạn chế và sự phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động…