Cải cách thể chế, vận dụng sáng tạo chính sách đặc thù

Lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh thu ngân sách hơn 500.000 tỷ đồng, vượt 12% so với kế hoạch, đóng góp 27% tổng thu cả nước. Kết quả nêu trên là thành quả không ngừng nghỉ trong cải cách thể chế, vận dụng những ưu thế vượt trội của các chính sách đặc thù vào cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
Một góc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Nâng cao chất lượng sống cho người dân

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, trong nhiều năm qua, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, song số thu của thành phố luôn ở mức cao và đóng góp lớn nhất vào ngân sách cả nước. Đơn cử, năm 2023, dù tăng trưởng không đạt như kế hoạch (5,81% trong khi kế hoạch 7,5-8%) nhưng thành phố vẫn thu được 446.500 tỷ đồng; năm 2021, thành phố bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, tăng trưởng âm 6,78% song thu ngân sách vẫn đạt hơn 381.500 tỷ đồng, vượt 104,56% dự toán.

Ở hai nội dung trọng tâm trong chủ đề năm 2024 là thực hiện Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, thành phố đạt kết quả khá tích cực. Trong 44 cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 98, có 20 cơ chế bước đầu đạt kết quả trong thực tiễn, 10 cơ chế đang trong quá trình chuẩn bị thủ tục và các bước tiếp theo để triển khai. Trong báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử mới đây của Liên hợp quốc, Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là địa phương có bước tiến đáng kể trong phát triển chính quyền điện tử ở cấp địa phương so với các thành phố tiêu biểu của các quốc gia trên thế giới.

Thành phố đã dành nguồn lực nhiều hơn cho đầu tư phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân. Trong đó, thành phố đã bố trí 3.794 tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm; thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, tuyến Vành đai 3; ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; 5 dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu để thực hiện đến năm 2028. Thành phố thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khoảng 11.287 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Cục trưởng Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chỉ tính đến ngày 30/11/2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu của thành phố đã đạt hơn 119 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 56,5 tỷ USD, tăng 19,3%; kim ngạch nhập khẩu đạt 62,6 tỷ USD, tăng 9,63% so với năm 2023.

Ông Tuấn cho rằng, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh tăng lên là kết quả của nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cũng như giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; cùng chính sách thu hút đầu tư rất hiệu quả.

Trở lại vai trò dẫn dắt nền kinh tế của cả nước

Trước những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế năm 2024, năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 10%, trong đó kinh tế số đóng góp hơn 25%. Sau 5 năm (từ năm 2019) đến nay, lần đầu tiên, thành phố đặt ra mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Ngoài mục tiêu tăng trưởng GRDP 10%, thành phố phấn đấu đạt tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87,2%; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,5%. Mục tiêu không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn của địa phương cũng được chú trọng.

Đánh giá về vai trò đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế của cả nước, tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết số 98 Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giai đoạn 2025-2035 sẽ là 10 năm quyết định để thành phố trở lại vai trò động lực dẫn dắt nền kinh tế cả nước.

Chỉ khi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn trung bình cả nước 1,2-1,5 lần trong 5 năm tới; 1,5 lần trong giai đoạn sau đó, Thành phố Hồ Chí Minh mới thể hiện được vai trò động lực, dẫn dắt từng đạt được. Theo đó, hoạt động kinh tế thành phố phải có tính thị trường cao nhất cả nước, mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa phải được hình thành rõ nét trên ba khía cạnh là tăng trưởng kinh tế bền vững, tiến bộ công bằng xã hội, phúc lợi người dân và môi trường.

Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh cần nâng cao vai trò giao lưu kinh tế, xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng phải đặc biệt vượt trội. Đây cũng phải là địa phương đi đầu trong cả nước về chuyển đổi số, kinh tế xanh...

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp; trong đó, trọng tâm là tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về quy hoạch, hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai phục vụ đầu tư phát triển. Đặc biệt, với đầu tư công cần có đề án riêng, với quyết tâm khắc phục tình trạng dồn vốn giải ngân vào cuối năm như hiện nay.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đề án sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đề án phát triển kinh tế tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững; nỗ lực tối đa hoàn thành cơ bản mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, trước mắt là hạ tầng giao thông, hạ tầng số và các dự án trọng điểm có tính lan tỏa, kết nối vùng; tập trung triển khai quy hoạch thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các đề án lớn được thông qua như xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, phát triển hệ thống đường sắt đô thị và xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường liên vùng, Vành đai 3, 4, cao tốc Mộc Bài và đưa vào sử dụng các dự án hạ tầng trọng yếu phục vụ dân sinh, trong đó có dự án chống ngập. Thành phố sẽ huy động đa dạng nguồn lực cho các dự án chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, cải tạo chung cư cũ, nhà ở ven kênh rạch, xử lý nước thải và rác thải.

Đồng tình với các giải pháp mà Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra, tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Nghiên cứu và Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, giải pháp quan trọng nhất mà thành phố cần thực hiện ngay là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế-xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - "phương thức sản xuất số".

"Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và Thành phố Hồ Chí Minh phải thể hiện vị trí tiên phong" - phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Nên tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân thành phố thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, dám đổi mới sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.